Trước mùa bóng mới V-League 2010: Nghèo không phải là tội!
Thể thao - Ngày đăng : 10:57, 29/01/2010
HP.HN tuy mang tiếng nhà giàu nhưng chưa chắc 100% trụ hạng V-League. |
Chết vì nghèo
Cũng có những đội bóng rớt hạng, chết trên đống tiền. HPHN từng đầu tư không giới hạn mà vẫn xuống hạng rồi mùa này mới quay trở lại. Không thiếu những đội bóng “nói chuyện bằng tiền” vẫn phải rơi vào cuộc chiến trụ hạng như Thể Công mùa 2009 hay Hải Phòng trước mùa 2008.
Nhưng đa phần các đội bóng rớt hạng đều là những đội bóng nghèo. Bình Định mùa 2008. Huế và Đồng Tháp năm 2007. Tiền Giang năm 2006. Và lại là Đồng Tháp năm 2005. Những trường hợp nói trên đều không thể theo kịp được với mặt bằng ngân sách mà các CLB nói chung đổ ra, để trả lương và treo thưởng.
Thế cục của V-League 2010 được hình thành và chuẩn bị cũng trên góc nhìn tài chính như thế. Khi Nam Định chia tay với nhà tài trợ Mikado và vẫn ngập trong nợ nần, bản thân đội bóng cũng tự nhìn nhận mình là một ứng viên rớt hạng. Quan niệm đó chỉ thay đổi chút ít khi họ có Megastar và ngân sách được đảm bảo ở mức 28 tỉ đồng.
Quân khu 4 bán đội bóng không chỉ vì nó là chủ trương của ngành Quân đội không nên tham dự bóng đá chuyên nghiệp, mà còn vì dự báo, sẽ không thể trụ hạng với những bữa cơm đạm bạc, với cà pháo và dưa muối điểm xuyết ít thịt heo. Thanh Hóa sau khi được Viettel “tặng” cho Thể Công, cũng lập tức nghĩ ngay tới chiến dịch quyên tiền ráo riết như thể khắc phục hậu quả thiên tai từ tất cả mọi người chỉ để đảm bảo một điều: đội bóng tỉnh nhà không thể một lần nữa “chết” vì thiếu tiền.
Sự cảnh giác về những nguy cơ của một đội bóng nghèo cùng với những cuộc chạy đua trên thực tế trong giai đoạn chuẩn bị của V-League 2010 cuối cùng lại dẫn tới một thay đổi: dường như không còn đội bóng nghèo ở V-League, hoặc chí ít, giới hạn về số tiền ngân sách bị coi là nghèo đã được nâng lên.
Nhưng nghèo chưa chắc đã chết
Một câu hỏi đặt ra: Có phải 28 tỉ của Nam Định vẫn chưa giúp họ thoát nghèo? Nếu nhìn vào mặt bằng chi tiêu của các CLB hiện tại, có thể là đúng. Thanh Hóa tuyên bố họ có ít nhất 40 tỉ. Đồng Tháp từ mùa trước đã có 20 tỉ từ nhà tài trợ và nếu cộng cả tiền ngân sách và vận động từ các nguồn khác nữa, họ cũng có khoảng 30 tỉ. SLNA chưa công bố con số chính thức (mùa trước chỉ hơn chục tỉ), nhưng chắc chắn cũng được cải thiện đáng kể khi có nhà tài trợ Bắc Á và đội bóng đã chuyển sang mô hình mới: công ty cổ phần.
Và nếu nhìn vào cách thể hiện của XMHP, T&T HN, Bình Dương, HAGL, V.Ninh Bình cũng như cả phần còn lại của V-League, khi chỉ riêng khoản tăng cường lực lượng cũng đã “đốt” của họ vài chục tỉ đồng, thì việc có 28-30 tỉ vẫn bị coi là nghèo cũng vẫn không phải là một nhận định sai lầm.
Thế nhưng, không phải lúc nào nghèo cũng đồng nghĩa với nguy cơ đội bóng có thể bị rớt hạng. SLNA với 11 tỉ đồng để trang trải tất cả các khoản chi tiêu: thuê cầu thủ ngoại, lương thưởng cho cả đội, di chuyển…, vẫn đứng thứ ba chung cuộc mùa 2009, trên hàng loạt những đội “đá bóng bằng tiền”.
Thiếu tiền có thể là mầm mống cho những vấn đề như không thể tìm kiếm được các ngoại binh giỏi, hoặc không giữ chân được các cầu thủ vô danh may mắn trở thành sao, hay không thể dễ dàng tạo động lực chỉ bằng 1 câu nói: “các bạn cứ đá đi, thắng sẽ thưởng 1 tỉ” như cách một số ông bầu đang làm. Nhưng khả năng tổ chức đội bóng, yếu tố nền tảng, xây dựng lối chơi, chiến thuật và yếu tố bản sắc, lòng tự hào địa phương vẫn có thể là cơ sở để làm nên những thành tích trước các mục tiêu cụ thể (như trụ hạng chẳng hạn).
Lúc này đây, Nam Định và Đồng Tháp bị nhận diện là 2 trong số các đội bóng phải đua trụ hạng. Nhưng có thể, họ vẫn tìm ra được những kẻ nhà giàu để thế chỗ mình trong cuộc chiến sinh tử ấy, nếu thực hiện được những vấn đề cốt tử nói trên.
Liệu có thể xếp những đội bóng không nghèo, đã giàu hoặc mới nổi như HPHN, Lam Sơn Thanh Hóa, Navibank Sài Gòn và cả V.Ninh Bình vào nhóm này?