Khai mạc Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới lần thứ 40
Thế giới - Ngày đăng : 07:23, 29/01/2010
Với chủ đề "Cải thiện tình hình trên hành tinh: Tư duy, kế hoạch, tái tạo", hội nghị kéo dài 5 ngày này tập trung thảo luận những bài học cần rút ra từ cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu, cách thức thúc đẩy sự phục hồi ổn định, đàm phán quốc tế về biến đổi khí hậu và tái thiết Haiti sau thảm họa động đất.
Phát biểu khai mạc hội nghị, người sáng lập, đồng thời là Chủ tịch WEF Clauxơ Soáp cảnh báo, năm 2010 sẽ là thời kỳ đầy thách thức, thế giới sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng xã hội sâu sắc, bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế mới đây. Ông kêu gọi các nước hành động nhiều hơn nữa để xây dựng lại mối quan hệ đối tác thực sự giữa chính phủ và giới doanh nghiệp, sao cho các doanh nghiệp vừa đổi mới và sáng tạo, vừa tạo ra nhiều việc làm.
lTheo đặc phái viên TTXVN, ngày 28-1, sau khi thăm, làm việc với Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới, Tổ chức Lao động quốc tế, Tổ chức Di cư quốc tế và Tổ chức Y tế thế giới tại Giơnevơ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bắt đầu các hoạt động tại Hội nghị WEF 2010 ở Đavốt (Thụy Sĩ). Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp với Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ, bà Đori Lơta.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Thụy Sĩ Đori Lơta cùng bày tỏ vui mừng trước mối quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Thụy Sĩ đang phát triển tích cực. Hai bên nhận thấy việc thường xuyên trao đổi Đoàn cấp cao giữa hai nước đã tạo động lực tăng cường hợp tác song phương trên các lĩnh vực, nhất là hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Ngay cả trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, kim ngạch thương mại Việt Nam - Thụy Sĩ năm 2009 vẫn đạt xấp xỉ 3 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2008; đầu tư trực tiếp của Thụy Sĩ tại Việt Nam đạt khoảng 1 tỷ 400 triệu USD.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam coi trọng và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Thụy Sĩ đầu tư, kinh doanh ổn định, lâu dài tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực thế mạnh, như du lịch, tài chính - ngân hàng, công nghệ. Thủ tướng đề nghị Thụy Sĩ sớm công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường, tạo điều kiện để Việt Nam tham gia hiệu quả vào hệ thống thương mại đa phương và mở rộng một cách bền vững quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với Thụy Sĩ.
lNgày 28-1, tại Trung tâm Hội nghị WEF, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc đối thoại với hơn 20 chủ tịch, tổng giám đốc các tập đoàn hàng đầu thế giới về lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bất động sản, năng lượng, xây dựng, viễn thông, y tế… Nêu bật những chính sách ưu tiên phát triển kinh tế của Việt Nam trong năm 2010 và những biện pháp bảo đảm tăng trưởng dài hạn, Thủ tướng khẳng định, sự lớn mạnh của mọi nền kinh tế đều không tách khỏi thành công của từng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi tham gia thị trường Việt Nam đều được coi là một bộ phận của nền kinh tế Việt Nam.
* Bên lề Hội nghị thường niên WEF 2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc tiếp chủ tịch, tổng giám đốc các tập đoàn hàng đầu của thế giới như: Ngân hàng Đầu tư toàn cầu Credit Suisse (Thụy Sĩ), Tập đoàn Hanwha (Hàn Quốc), Microsoft (Hoa Kỳ), Siemens (CHLB Đức)…
Sau buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chứng kiến Ngân hàng Đầu tư toàn cầu Credit Suisse trao hợp đồng thu xếp vốn 200 triệu USD cho Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc, thuộc Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn. Đây là một trong những động thái tích cực của Credit Suisse trong chiến lược phát triển kinh doanh tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hậu khủng hoảng…
* Tiếp tục chương trình tham dự Hội nghị WEF, ngày 28-1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự phiên thảo luận với chủ đề "Tái thiết tăng trưởng kinh tế dài hạn". Tham dự phiên thảo luận có các diễn giả là những nhà lãnh đạo, giáo sư kinh tế, các tổ chức quốc tế, các tập đoàn đa quốc gia... Phát biểu tại phiên thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: các nền kinh tế mới nổi nhất là ở khu vực châu Á có điều kiện thuận lợi hơn trong việc giảm bớt những tác động tiêu cực và ít nhiều duy trì được tăng trưởng với tốc độ tương đối khả quan. Thủ tướng nhấn mạnh khả năng dự báo đóng vai trò rất quan trọng trong hoạch định chính sách và bảo đảm tăng trưởng dài hạn. Từ kinh nghiệm đối phó với khủng hoảng của Việt Nam, Thủ tướng cho rằng cùng với việc tập trung các giải pháp nhằm ổn định cân đối vĩ mô, xử lý các thách thức ngắn hạn, cần đồng thời chú trọng những chính sách bảo đảm tăng trưởng và phát triển trong dài hạn, như đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Đối với một nước ở gần ngưỡng thu nhập trung bình như Việt Nam, một trong những vấn đề cốt lõi bảo đảm duy trì đà tăng trưởng cao và bền vững, mở ra triển vọng trở thành một nền kinh tế phát triển là chất lượng tăng trưởng. Tăng trưởng kinh tế cao liên tục, nhưng phải coi trọng ổn định vĩ mô, chất lượng tăng trưởng và hướng tới phát triển bền vững. Điều này gắn với tạo dựng và nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, của các doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam.
Tối 28-1 theo giờ địa phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự phiên họp toàn thể tại Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2010 với chủ đề "Tái định hình nền quản trị toàn cầu". Với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có bài phát biểu quan trọng tại phiên thảo luận này.