Vấn đề an ninh sân cỏ trước V-league 2010: Bao giờ mới thực sự an toàn?
Thể thao - Ngày đăng : 07:09, 29/01/2010
CĐV Hải Phòng quá khích gây mất an ninh trong trận đấu với đội TP HCM và trọng tài trên sân Lạch Tray vòng 22 V-league. |
Nói đến chuyện an ninh sân cỏ, người ta không thể không nói đến thảm kịch trên sân Vinh diễn ra cách đây hai mùa bóng. Ngày ấy, trong trận Sông Lam Nghệ An - Xi măng Hải Phòng, khán giả hai bên đã náo loạn vượt khỏi tầm kiểm soát của BTC. Hậu quả là một CĐV xấu số đã bị xe ô tô cán chết. Sau sự cố "chưa từng có" trong lịch sử bóng đá Việt, ông Trưởng giải Dương Nghiệp Khôi đã phải rời bỏ cương vị với rất nhiều điều tiếng.
Rút kinh nghiệm từ sự cố đáng tiếc trên, đầu mùa giải V-League 2009, tân Trưởng BTC Trần Quốc Tuấn đã liên tục hô hào các đội bóng phải bảo đảm tốt công tác an ninh và kèm theo lời răn đe: "Nếu để xảy ra sự cố, sẽ bị xử lý nặng!". Tiếp đến, Trưởng Tiểu ban Kỷ luật VFF Nguyễn Hải Hường cũng nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ mạnh tay với tất cả những hành vi bạo động". Nhưng sự thực thì sao? Ở V-League 2009, từ sân Lạch Tray - Hải Phòng qua sân Vinh - Nghệ An, qua cả sân Nha Trang - Khánh Hòa, đâu đâu cũng thấy có sự cố khán giả. Và có những sự cố xảy ra ngay trước mắt những người "cầm cân nảy mực" nhưng sau đó lại là những bản án thuộc vào dạng… "không giống ai".
Đơn cử như vụ xảy ra tại sân Lạch Tray, một khán giả đã ném chiếc điện thoại di động trúng đầu một trọng tài biên. Nhiều phóng viên ảnh đã ghi hình lại cảnh tượng "phi thể thao" này, nhưng Trưởng Tiểu ban Kỷ luật VFF vẫn khẳng định, đấy chỉ là bịch nước, không phải chiếc điện thoại. Một trường hợp khác, khi khán giả Hải Phòng làm náo loạn sân Hàng Đẫy, cũng vẫn là ông Trưởng Tiểu ban Kỷ luật đã từng tuyên bố "phải xử nặng!", nhưng bản án ông đưa ra lại quá nhẹ: "Cấm các CĐV Hải Phòng đến sân khách vô thời hạn". Nhìn vào bản án này, dư luận đều cho rằng, xử thế khác gì không xử. Bởi khi các CĐV Hải Phòng đến sân khách mà không mang theo băng rôn, khẩu hiệu thì có trời mới biết họ là ai (!?).
Nhắc lại những câu chuyện trên đây để thấy, sân cỏ Việt Nam có an toàn, các trận đấu có được bảo đảm an ninh đúng theo yêu cầu hay không đôi khi lại là chuyện liên quan tới… những người trong BTC. Nếu họ đưa ra những phán quyết đúng đắn và xử "đúng người, đúng tội" thì chắc chắn những CĐV quá khích kia sẽ không dám quậy phá sân cỏ.
Mùa giải V-League mới lại chuẩn bị khởi tranh. Ngay trước giờ các đội bóng "xuất quân", BTC đã tổ chức hội nghị về công tác an toàn, an ninh sân cỏ. Thậm chí, mới đây, họ còn gửi công văn tới từng đội bóng, từng địa phương, đề nghị các bên phải có sự phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an để đưa mọi hoạt động nằm trong tầm kiểm soát. Trả lời báo chí, Trưởng BTC V-League 2010 Trần Quốc Tuấn cho biết, bản thân BTC năm nay cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an để bằng mọi giá làm cho sân bóng Việt Nam luôn được an toàn nhất. "Nếu tình trạng CĐV đốt pháo sáng, gây mất an ninh, an toàn vẫn tiếp diễn, bên cạnh việc phải nhận án phạt lên tới 100.000 USD, các đội tuyển cũng phải đối mặt với khả năng bị thi đấu trên sân không khán giả hoặc bị cấm thi đấu quốc tế", ông Tuấn khẳng định.
Nói thì vậy, nhưng trên thực tế, cuộc chơi V-League 2010 có an toàn hay không hiện vẫn còn là ẩn số.