Đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài: Khó cũng phải làm

Kinh tế - Ngày đăng : 07:09, 28/01/2010

(HNM) - Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH, thực hiện Quyết định 71/2009/QĐ-TTg ngày 29-4-2009, đến nay các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đã đưa được gần 1.000 lao động thuộc 63 huyện nghèo đi làm việc tại nước ngoài.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, theo quyết định của Chính phủ, người lao động thuộc 63 huyện nghèo được ưu tiên đưa đi làm việc tại nước ngoài và được Chính phủ đài thọ toàn bộ kinh phí đào tạo nghề, phí môi giới... Qua 6 tháng triển khai, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong khâu tuyển chọn, đào tạo nghề, dạy ngoại ngữ cho người lao động nhưng đến nay bước đầu đã có kết quả.

Học nghề hàn trước khi đi xuất khẩu lao động tại Công ty PVD Training Vũng Tàu. Ảnh: Phong Cầm


Thống kê cho thấy, đã có 31 huyện thuộc 11 tỉnh: Thanh Hóa, Yên Bái, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Thọ, Bắc Giang, Điện Biên, Bắc Kạn và Lào Cai đã triển khai thực hiện Quyết định 71. Ở các huyện nghèo này, 20 doanh nghiệp đã dành gần 30 hợp đồng ưu tiên cho lao động đi làm việc tại các thị trường Libya, các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất, Angiêri, Nhật Bản, Hàn Quốc... Các doanh nghiệp đã sơ tuyển được gần 3.000 lao động, trong đó 2.300 lao động đang được đào tạo nghề và ngoại ngữ. Ngoài ra, đã có gần 1.000 lao động được đi làm việc tại nước ngoài. Về khả năng làm việc, ông Quỳnh cho biết, mặc dù chương trình mới được triển khai nhưng người lao động đã có thu nhập và bắt đầu gửi tiền về gia đình, điển hình là 10 lao động ở Yên Bái đã gửi về từ 14 đến 16 triệu đồng.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiệp - Phó Tổng giám đốc Vinaconex Mec cho biết, ngay sau khi có Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ, doanh nghiệp đã xác định tuyển chọn lao động tại các huyện nghèo là nhiệm vụ chính trị trong việc hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững. Chính vì vậy, bên cạnh việc tuyển chọn lao động, công ty cũng phải tích cực tìm kiếm đơn hàng và lựa chọn các thị trường thích hợp với khả năng người lao động. Vinaconex Mec nhận thấy Libya là thị trường có một số nghề không yêu cầu trình độ cao nên có thể đào tạo người lao động trong thời gian ngắn. Làm việc ở thị trường này, người lao động có thu nhập tương đối ổn định, ăn ở miễn phí, ít rủi ro rất thích hợp với các huyện nghèo. Đơn hàng đưa lao động sang làm việc tại Libya của công ty đã được Cục Quản lý lao động ngoài nước thẩm định, giao cho doanh nghiệp thực hiện thí điểm tại tỉnh Yên Bái. Công ty đã tuyển được 60 lao động (chủ yếu đồng bào Mông) đưa về Trung tâm Đào tạo nghề của công ty để đào tạo trước khi đi. Và đến nay đã có 30 lao động sang Libya làm việc. Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Văn Hiệp, khó khăn lớn nhất trong việc tuyển chọn và đào tạo người lao động ở huyện nghèo là nhận thức và quyết tâm đi làm việc ở nước ngoài để thoát nghèo chưa cao; ngôn ngữ của người lao động còn nhiều hạn chế cũng là một thách thức không nhỏ. Chính vì vậy, Vinaconex Mec phải tăng cường quản lý lao động ở nước sở tại nhằm hỗ trợ, giải quyết những vấn đề phát sinh cho người lao động.

Rõ ràng, việc tuyển chọn, đào tạo lao động ở các huyện nghèo đi lao động ở nước ngoài có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn. Nhưng đây là một nhiệm vụ chính trị, một biện pháp tạo việc làm, xóa nghèo bền vững cho các huyện nghèo. Vì thế, khó cũng vẫn phải làm và hoàn thành nhiệm vụ do Chính phủ giao.

Đức Tư