Tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp năm 2010: Chồng chất khó khăn
Giáo dục - Ngày đăng : 07:01, 28/01/2010
Dù đã mở rộng hệ đào tạo với khối THCS, khuyến khích HS chưa tốt nghiệp THPT được vào học TCCN, HS hoàn thành chương trình TCCN nếu đủ điều kiện có thể học liên thông lên CĐ, ĐH, nhưng theo báo cáo của 432/546 cơ sở đào tạo TCCN trên cả nước (gồm các trường ĐH, CĐ, TCCN và các cơ sở giáo dục khác có đào tạo TCCN), chỉ có 216.329 thí sinh (TS) nhập học, bằng 55,6% số TS trúng tuyển. Một con số đáng quan tâm nữa là 60% số HS nhập học vào học hệ TCCN tại các trường ĐH, CĐ. Số HS vào các trường TCCN chỉ chiếm 38%, mà lại tập trung vào các trường đóng tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; các trường ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, nơi điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, cần phát triển mạnh quy mô đào tạo TCCN nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực tại chỗ thì không hút được HS.
Đào tạo nghề cơ khí tại Trường Trung học Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Bảo Lâm |
Những điều trên đã gây khó khăn cho các trường TCCN trong công tác tuyển sinh. Đây cũng là minh chứng cho thấy công tác phân luồng HS sau tốt nghiệp THPT còn nhiều hạn chế.
Tự làm khó nhau
Vài năm gần đây, trong khi số HS tốt nghiệp THPT hằng năm cơ bản ổn định và có chiều hướng giảm, nhất là từ khi toàn ngành GD-ĐT thực hiện cuộc vận động "Hai không" (năm 2007) thì chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ liên tục tăng. Riêng năm 2010, chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ dự kiến là khoảng 570.000, tăng 10% so với năm 2009; chỉ tiêu năm 2009 cũng tăng 12% so với năm 2008. Trong khi ấy, quan niệm phải vào ĐH, CĐ bằng được đã khiến nhiều HS, dù không đủ năng lực vẫn cố sức học tiếp lên bậc cao hơn, vừa tốn kém không cần thiết vừa mất thời gian. Ngày hội tư vấn tuyển sinh được tổ chức khá rầm rộ, song phần lớn đều nhắm tới HS có học lực khá, giỏi, tức là chưa chú trọng nhiều đến việc định hướng cho các em chọn trường nghề.
Theo bà Tạ Song Hà, Phó Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT Hà Nội) thì Bộ GD-ĐT cần phải xem xét lại cả việc giao chỉ tiêu hệ TCCN cho các trường ĐH, CĐ, nhất là ở các TP lớn. Chỉ tính trên địa bàn Hà Nội, hiện có tới trên 50 trường ĐH, CĐ có đào tạo hệ TCCN với chỉ tiêu tuyển sinh mỗi năm khoảng 40.000 HS, gây áp lực không nhỏ với việc tuyển sinh của 37 trường TCCN cùng địa bàn.
Một thực tế khác là chính các trường TCCN cũng chưa đủ sức hút đối với HS. Từ năm 2002 tới năm 2008, mức chi ngân sách theo chương trình mục tiêu cho khối TCCN chỉ tăng thêm 2 lần, từ 25 tỷ đồng lên 50 tỷ đồng. Với nguồn kinh phí này, các trường khó đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị thực hành, thực tập cho HS theo hướng đồng bộ, hiện đại và đáp ứng được đòi hỏi của thực tế công việc. Đó là chưa kể tới sự bất cập của nội dung chương trình giảng dạy, sự hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên ở các trường TCCN. Khảo sát của Bộ GD-ĐT đã cho thấy chất lượng đào tạo của các trường còn thấp, hầu hết không đáp ứng được yêu cầu dành 70% thời gian cho thực hành nên sản phẩm đào tạo không đáp ứng được yêu cầu thị trường. Cũng bởi thế mà có tới 50% số sinh viên ra trường đang làm việc tại các doanh nghiệp cần phải đào tạo lại.
Những nguyên nhân trên hầu hết mang tính "chủ quan", bởi thế giải quyết nó phụ thuộc vào chính ngành GD-ĐT.