Nhà trường phải là những “vườn ươm”
Chính trị - Ngày đăng : 06:42, 28/01/2010
(HNM) - Không đâu khác, nhà trường và các tổ chức đoàn, hội là môi trường để các học sinh, sinh viên (HSSV) học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức phấn đấu trở thành đảng viên.
Cấp ủy chủ động, sinh viên nỗ lực
Nhiều đảng viên trẻ trưởng thành từ phong trào tình nguyện.
Trên công trường mùa hè tình nguyện vừa qua ở xã Đại Hùng, huyện Ứng Hòa, Đảng bộ Trường ĐHDL Đông Đô tổ chức lễ kết nạp Đảng cho SV Nguyễn Thị Khánh Linh (SV năm thứ 3, K12, khoa Công nghệ thông tin, Chủ tịch Hội Sinh viên trường) trong không khí trang nghiêm và cảm động. Từ một cô bé quê ở Hải Phòng rụt rè lúc nhập học, thông qua các hoạt động đoàn, hội của nhà trường và các chiến dịch TNTN, Linh đã trở thành một thủ lĩnh SV nhanh nhẹn, tháo vát. Được các thầy cô, các anh chị đi trước dìu dắt, giúp đỡ, Nguyễn Thị Khánh Linh đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Để trở thành tấm gương cho các bạn, ngoài tích cực trong hoạt động phong trào, Linh còn phải rất cố gắng trong học tập để đạt được học lực khá. Linh tâm sự: "Qua các hoạt động đoàn, hội em có cơ hội giao lưu học hỏi và trưởng thành lên nhiều". Thầy giáo Nguyễn Văn Khang, Phó Bí thư Đảng ủy nhà trường cho biết: Thông qua các phong trào hoạt động, tổ chức đoàn, hội đã lựa chọn được những sinh viên ưu tú, tích cực hoạt động để giới thiệu kết nạp Đảng. Thời gian qua, Đảng ủy đã kết nạp được 5 đảng viên trẻ là SV của trường, đây là động lực để đẩy mạnh công tác phát triển Đảng trong nhà trường.
Theo kết quả khảo sát của Thành đoàn Hà Nội, năm 2008 khối trường kết nạp được 1.002 đảng viên; năm 2009 kết nạp 1.220 đảng viên. Mặc dù số lượng tăng thêm, nhưng mới đạt khoảng 70% so với kế hoạch đề ra. Điều này cho thấy công tác phát triển Đảng trong HSSV còn gặp khó khăn, nhất là các trường đại học, cao đẳng khối nghệ thuật, cá biệt có trường 5 năm trở lại đây không kết nạp được đảng viên mới nào. Tại đợt tuyên dương thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường ĐH, học viện, cao đẳng tại thành phố Hà Nội năm 2009 vừa qua, trong số 136 người được tuyên dương chỉ có 53 đảng viên trẻ. Một điểm chung nhất trong "lý lịch trích ngang" các thủ khoa được tuyên dương là vừa học giỏi, vừa tích cực tham gia công tác đoàn, hội. Vậy tại sao những sinh viên như vậy lại chưa được cấp ủy, tổ chức đoàn, hội trong các nhà trường quan tâm xem xét để kết nạp Đảng? Trong khi đó điều kiện cần, đủ để sinh viên trở thành đảng viên phải là đoàn viên ưu tú trong tập thể chi đoàn, chi hội, lớp tiên tiến; đạt điểm trung bình từ 7 điểm trở lên (nếu đoàn viên từ học lực yếu vươn lên có học lực giỏi hoặc những sinh viên tích cực tham gia công tác lớp, đoàn, hội và các phong trào quần chúng có kết quả học tập đạt điểm trung bình 6,5 trở lên); có thành tích trong hoạt động đoàn, hội sinh viên và phong trào chung của lớp; chấp hành tốt nội quy, quy chế của trường, khoa về học tập, thi cử. Thực trạng này cho thấy, các thủ khoa xuất sắc còn chưa được quan tâm nhiều, thì những sinh viên khác muốn phấn đấu vào Đảng là cả vấn đề cần được xem xét một cách nghiêm túc.
Tạo môi trường rèn luyện phấn đấu
Trong những năm qua, việc nâng cao nhận thức, giác ngộ về Đảng và xây dựng thái độ, động cơ phấn đấu đúng đắn cho ĐVTN được coi là công việc quan trọng hàng đầu trong công tác tham gia xây dựng Đảng của Đoàn Thanh niên khối trường học. Để phát triển đội ngũ đảng viên trẻ trong khối trường học, trước hết cần có sự quan tâm của cấp ủy Đảng. Cần nhất là sự tin tưởng và mạnh dạn giao nhiệm vụ cho đoàn viên trẻ để họ có cơ hội khẳng định bản thân. Kinh nghiệm cho thấy, để tạo cơ hội cho các đoàn viên ưu tú được đứng trong hàng ngũ của Đảng, Trường ĐH Lâm nghiệp chủ trương không giao chỉ tiêu kết nạp cho các chi bộ để tránh tình trạng làm đối phó, kiểm tra chặt chẽ quy trình phát triển Đảng nhằm nâng cao chất lượng đảng viên. Công tác theo dõi, phát triển Đảng trong SV được giao cho Chi bộ Phòng Chính trị - Công tác sinh viên (CT-CTSV) xem xét, làm thủ tục. Sau khi các chi đoàn, liên chi đoàn, BCH Đoàn trường giới thiệu đối tượng kết nạp Đảng cho các chi bộ xem xét, Chi bộ Phòng CT-CTSV kiểm tra và tiến hành thẩm tra lý lịch, hoàn tất hồ sơ. Văn phòng Đảng ủy kiểm tra lần cuối và trình Đảng ủy chuẩn y. Quy trình đó cũng được tiến hành nhanh chóng bằng việc Chi bộ Phòng CT-CTSV cử cán bộ trực tiếp về địa phương thẩm tra lý lịch thay vì qua công văn. Để rút ngắn thời gian xem xét, làm thủ tục nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, Đảng ủy yêu cầu Chi bộ Phòng CT-CTSV phân công cán bộ trực tiếp theo dõi phong trào ở các khoa và chi đoàn, nắm tình hình hằng tuần, hằng tháng. Mỗi kỳ bình xét đoàn viên ưu tú, đối tượng Đảng đều được thông báo rộng rãi trong toàn trường, vừa tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi, vừa khơi dậy phong trào rèn luyện, phấn đấu của đoàn viên, thanh niên.
Có thể thấy, phấn đấu trở thành đoàn viên ưu tú để các cơ sở đoàn giới thiệu cho Đảng kết nạp cần sự chủ động từ cấp ủy, các tổ chức đoàn, hội trong các nhà trường, bởi để thu hút được các ĐVTN ưu tú vào Đảng phải cần một quá trình, và quan trọng hơn đó là sự tâm huyết từ phía từ các cấp bộ đảng, tổ chức đoàn, hội ở các trường.