Cúm đốt nóng Nghị viện châu Âu

Thế giới - Ngày đăng : 06:31, 28/01/2010

(HNM) - Lần đầu tiên kể từ sau khi thông tin gây chấn động dư luận về việc dịch cúm A/H1N1 đã bị thổi phồng thành một đại dịch được Chủ tịch Ủy ban Y tế Hội đồng châu Âu Wolfgang Wodarg đưa ra hồi cuối tháng 12 năm ngoái, một số quan chức hàng đầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã có phiên điều trần trước Nghị viện châu Âu hôm 26-1 (giờ địa phương).

Trong sự kiện tại Xtrabớc, Pháp, nhân vật số hai của WHO, bác sĩ Kegi Phukuđa phải giải thích về việc tổ chức y tế LHQ có đưa ra báo động giả nhằm trục lợi hay không cũng như cho biết dựa trên cơ sở nào mà WHO đưa ra báo động đó. Động thái này cho thấy cuộc tìm kiếm câu trả lời cho sự việc được xem là "bê bối y tế lớn nhất thế kỷ" đã chính thức khai màn.

Hàng loạt đơn hàng mua vắc xin đã bị cắt giảm sau khi thông tin về dịch cúm được công bố.


Tuy nhiên trong khi hành trình xác định liệu WHO có sốt sắng thái quá trong điều hành những nỗ lực đối phó với dịch cúm A/H1N1 nhằm "tiếp tay" cho các hãng dược phẩm kiếm bạc tỷ hay không vừa rời vạch xuất phát, thì việc báo chí châu Âu công bố thông tin 6 chuyên gia của cơ quan y tế LHQ đã hợp tác với các viện bào chế để nhận thù lao đã khiến dư luận chìm sâu hơn vào mối ngờ vực. Đặc biệt, 2 trong số 6 nhà khoa học trên là Giáo sư Y khoa Phần Lan Giuhani Excôha và chuyên gia người Giamaica, Pitơ Phiguêroa đã công khai thừa nhận có "hợp đồng" với tập đoàn dược phẩm Novatis và Merck.

Việc một số chuyên gia WHO hợp tác với nhiều hãng bào chế hàng đầu thế giới cũng được Phó tổng Giám đốc tổ chức này, ông Kegi Phukuđa xác nhận ngay trước thềm cuộc điều trần trước các nghị sĩ châu Âu. Ông K.Phukuđa cũng nhấn mạnh mặc dù vậy, WHO vẫn phải giữ họ lại làm việc vì đây là những chuyên gia cần thiết. Bên cạnh đó, việc hợp tác với các viện bào chế không phải là điều "cấm kị" đối với các chuyên gia của WHO khi trên thực tế phần đông những nhà khoa học danh tiếng đều ký hợp đồng với ngành bào chế dược phẩm. Cơ quan y tế LHQ cũng đã có quy định tất cả chuyên gia tư vấn cho tổ chức phải công bố quyền lợi về chuyên môn và tài chính gồm: nguồn thu từ những công ty dược phẩm hoặc các hình thức liên hệ về chuyên môn khác với các công ty dược phẩm. Thông tin này được chia sẻ công khai với các thành viên khác trong nhóm tư vấn và chỉ việc giấu giếm sự hợp tác mới bị coi là không hợp lệ.

Cho dù tất cả chuyên gia hàng đầu của WHO đều khẳng định hoàn toàn giữ vị trí độc lập đối với các hãng dược phẩm mà họ được trả tiền theo "hợp đồng". Song với việc "có chân" trong các ủy ban mang tính chiến lược của WHO có chức năng cố vấn cho bà Magarét Chan Tổng Giám đốc tổ chức này, những vấn đề liên quan đến dịch cúm, mối quan hệ kinh tế với những ràng buộc về lợi ích không thể không khiến dư luận đặt câu hỏi về sự khách quan tuyệt đối trong các ý kiến của họ tại WHO. Mối nghi hoặc này ít nhiều có cơ sở khi chính từ những tư vấn của các chuyên gia đó, WHO đã nâng mức báo động dịch bệnh toàn cầu lên cấp độ 6, cấp độ cao nhất hồi tháng 6 năm ngoái. Phản ứng tức thì với khuyến cáo về sự nguy hiểm của dịch bệnh, các chính phủ trên khắp thế giới đã lao vào ký các đơn hàng khổng lồ nhằm mua cho được thuốc kháng virút Tamilflu và vắcxin phòng cúm với những "đại gia" dược phẩm. Kết quả là hàng trăm triệu liều vắcxin đã được bán hết veo và mang lại những khoản lợi nhuận kếch xù cho các viện bào chế, làm tiêu hao một số tiền không nhỏ từ ngân sách y tế của các nước trong bối cảnh cả thế giới đang lao đao về tài chính.

Mặc dù vậy, đến thời điểm này WHO vẫn đưa ra khuyến cáo tiêm chủng là giải pháp và công cụ tốt nhất để bảo vệ tính mạng con người, đặc biệt khi tốc độ lây lan của dịch cúm A/H1N1 đã giảm ở khu vực Bắc Mỹ. Nhưng loại virút này vẫn hoạt động mạnh ở các khu vực Trung Đông, đông nam châu Âu và Nam Á. WHO cũng bác bỏ cáo buộc đã "cấu kết" với các hãng dược phẩm vì lợi ích của một số cá nhân. Tuy nhiên, trong khi mọi việc vẫn chưa "hai năm rõ mười", những dư chấn của sự kiện được xem là "cú lừa thế kỷ" đã tác động không nhỏ đến niềm tin của dư luận khi một loạt quốc gia đã cắt giảm đơn hàng mua vắcxin. Không chỉ Nghị viện châu Âu đang bị đốt nóng vì cúm, cộng đồng quốc tế cũng như ngồi trên lửa trước cuộc điều trần với hy vọng sớm được làm rõ câu trả lời "Đâu là sự thật ?".

Vân Khanh