Chất lượng, chiều sâu, có chọn lọc
Xã hội - Ngày đăng : 06:48, 27/01/2010
Cùng dự còn có đồng chí Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ, Trưởng BTC các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long thành phố Hà Nội; Phùng Hữu Phú, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo TƯ, Phó trưởng BCĐ; Ngô Thị Doãn Thanh, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội, Phó trưởng BTC các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long thành phố Hà Nội cùng các thành viên BCĐ, BTC các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố Hà Nội, tỉnh Phú Thọ, Bắc Ninh, Ninh Bình...
Cả nước hướng về Thăng Long - Hà Nội
Đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa, một công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị đã hoàn thành chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ảnh: Đàm Duy
Báo cáo của BCĐ quốc gia nêu rõ: Tính đến thời điểm này, các hoạt động kỷ niệm 1000 năm diễn ra khá phong phú, đều khắp trên phạm vi cả nước, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân trong nước, quốc tế. Ban Tuyên giáo TƯ đã phát hành hơn 50.000 cuốn tài liệu tuyên truyền tới các tỉnh, thành phố và các cơ quan báo chí; Trang web "Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến và anh hùng" đã đi vào hoạt động từ ngày 11-8-2009; gameshows "Hà Nội 36 phố phường" và "Rồng bay" trên sóng truyền hình đã trở thành chương trình quen thuộc của khán giả… Cuộc vận động sáng tác văn học, nghệ thuật đã thu hút hơn 40 tác giả trong nước và nước ngoài tham gia với hơn 200 tác phẩm. Đặc biệt, trong nhóm 34 công trình phải hoàn thành trước Đại lễ, đến thời điểm này đã có 18 công trình hoàn thành và cơ bản hoàn thành. Các di sản văn hóa cũng "góp mặt" làm cho Đại lễ kỷ niệm thêm phần ý nghĩa thông qua việc đề cử Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, 82 bia đá các khoa thi tiến sỹ triều Lê - Mạc ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Lễ hội Thánh Gióng là di sản văn hóa thế giới. Hơn thế, nhiều tỉnh, thành phố trên khắp mọi miền đất nước sôi nổi tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật hướng về Đại lễ, như xây dựng phim tài liệu lịch sử về vùng đất, con người, quê hương nhà Lý ở tỉnh Bắc Ninh; trưng bày các hiện vật với chủ đề "Từ Hoa Lư tới TL-HN" tại Ninh Bình. Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng công trình Tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội)...
Ngổn ngang công việc phải làm
Mặc dù vậy, BCĐ quốc gia cũng nghiêm túc thừa nhận hiện tại nhiều phần việc quan trọng vẫn chưa được các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể từ TƯ tới địa phương triển khai sâu rộng. Nét thanh lịch, văn minh trong giao tiếp, ứng xử chưa trở thành thói quen của đa số người dân, nhất là với thế hệ trẻ; ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường nơi công cộng của người dân còn nhiều hạn chế, bằng chứng là rác trên đường, rác trên tường còn nhiều; tiến độ thực hiện một số công trình trọng điểm còn chậm…
Ông Lê Tiến Thọ, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL cho biết: Hiện tại, Bộ vẫn chưa được đọc nội dung kịch bản 10 ngày Đại lễ. Theo ông, việc chậm trễ này sẽ ảnh hưởng không tốt tới chất lượng các chương trình vì khâu chuẩn bị cho mỗi chương trình khá công phu và tốn kém. Cùng chung quan điểm trên, ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao băn khoăn vì Đại lễ sẽ có sự tham gia của Tổ chức UNESCO và nhiều nước trên thế giới mà hiện tại, kế hoạch cho bà con kiều bào tham gia biểu diễn các tiết mục văn hóa, văn nghệ vẫn chưa có. Cùng với đó, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng (Bộ Giao thông - Vận tải) Trần Quốc Việt, cho hay: Các công trình chào mừng 1000 năm TL-HN như dự án mở rộng đường Láng - Hòa Lạc, đường 32, gói thầu phía Nam cầu Nhật Tân... vẫn còn vướng khâu giải phóng mặt bằng...
Để giải quyết nhanh những vướng mắc trên, BCĐ quốc gia thống nhất đặt nhiệm vụ tuyên truyền, quảng bá, giáo dục nhằm thay đổi nhận thức, hành vi ứng xử của người dân trong các mối quan hệ hằng ngày được đặt lên hàng đầu, còn công tác chuẩn bị hoạt động kỷ niệm Đại lễ trên phạm vi cả nước được coi là nhiệm vụ trọng tâm. Đồng thời, BCĐ đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ban, ngành thực hiện 10 đề xuất của BCĐ như việc bảo đảm an ninh, trật tự, phân luồng giao thông, đối nội, đối ngoại... trong 10 ngày Đại lễ.
Đồng ý với các đề xuất trên, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng còn nhấn mạnh: Việc tổ chức các hoạt động, xây dựng các công trình hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm TL-HN rất quan trọng, song làm thế nào để gìn giữ và phát huy giá trị của các hoạt động, công trình đó trong những năm tiếp sau còn quan trọng hơn. Do vậy, Phó Thủ tướng cho rằng, thành phố Hà Nội cũng như các ngành chức năng không nên tổ chức nhiều chương trình, hoạt động, mà nên quan tâm tới chất lượng, chiều sâu và sức lan tỏa của các hoạt động đó, phải tổ chức các hoạt động hướng tới Đại lễ một cách có chọn lọc. Để làm được như vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu các thành viên BCĐ, nòng cốt là Văn phòng BCĐ quốc gia phải "sốc" lại tinh thần làm việc, triển khai nhanh những công việc cần làm ngay, cụ thể là đẩy nhanh tiến độ xây dựng kịch bản chi tiết cho chương trình hoạt động từ nay đến Đại lễ, công tác chỉnh trang đô thị, dẹp "loạn" quảng cáo trên địa bàn Thủ đô. Ngoài ra, các cơ quan thông tin đại chúng cần vào cuộc tuyên truyền về TL-HN quyết liệt hơn nữa để người dân Hà Nội hiểu hơn về mình, về truyền thống của quê hương mình, để bạn bè trong nước, quốc tế biết đến một thủ đô có bề dày truyền thống như Hà Nội.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định: Trước mắt, thành phố tập trung chỉnh trang đô thị, vệ sinh môi trường; ưu tiên thực hiện các công trình, dự án trọng điểm như giải phóng mặt bằng đường Vành đai 3, đường 32, đường Láng - Hòa Lạc; khởi công xây dựng đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh; động thổ xây dựng Nhà hát Thăng Long...