Tan “giấc mộng cam”

Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 07:09, 25/01/2010

(HNM) - Sau 5 năm cầm quyền, Tổng thống Ucraina Víchto Yusencô - thủ lĩnh cách mạng Cam - đang đi nốt những ngày cuối cùng chỉ với 5% cử tri ủng hộ.

Đó cũng là số phiếu cao nhất mà "người hùng" của cuộc "cách mạng Cam" nhận được trong cuộc bầu cử tổng thống (ngày 17-1) vòng 1 vừa qua, khiến ông Yusencô không có mặt ở vòng 2 sẽ diễn ra vào ngày 7-2 tới. Kết quả này không gây bất ngờ vì nó đã được dự báo trước khi cuộc bầu cử diễn ra. Điều dư luận quốc tế quan tâm là sự "ra đi" của Tổng thống V.Yusencô đã đặt dấu chấm hết cho cuộc "cách mạng Cam" từng gây đảo lộn trên chính trường quốc gia Đông Âu này suốt nửa thập kỷ qua.

Sau cuộc "cách mạng Hoa hồng" ở Grudia (năm 2003), "cách mạng Cam" làm rung chuyển Ucraina (năm 2004) lúc đó, được dự báo sẽ tạo ra một làn sóng cách mạng sắc màu đem đến cái mà phương Tây vẫn cho là "tự do, dân chủ" phủ lên toàn bộ không gian "hậu Xô Viết". Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra. Trên thực tế, hiệu ứng đôminô cuối cùng của cách mạng sắc màu chỉ vọng tới Cưrơgưxtan với cái tên khá mỹ miều - "cách mạng hoa Tuylíp" (năm 2006).

Khi đó, việc lật đổ một nhân vật được phe đối lập gán cho cái mác thân Nga, được phương Tây ca tụng như là chiến thắng đưa các quốc gia nói trên đứng trước "một cơ hội thay đổi". Tuy nhiên, trong lúc tương lai sau hiệu ứng sắc màu còn mịt mờ thì sau đó, không chỉ người dân sở tại mà cả cộng đồng quốc tế và những nhà nghiên cứu chính trị đều vỡ mộng khi nhận ra một hiệu ứng ngược lại tại các nước "cách mạng sắc màu". Đó là "tự do, dân chủ" chỉ là chiếc bánh vẽ và cái mà người dân nhận được chỉ là khủng hoảng chính trị triền miên kéo theo những đổ vỡ về kinh tế, khiến cuộc sống của dân chúng bị đẩy vào khốn quẫn.

Bức tranh toàn cảnh chính trường hậu cách mạng sắc màu tại 3 nước trên đều nhuốm màu chia rẽ bởi các cuộc tranh giành quyền lực không ngừng. Ở đó, mục tiêu giành ghế trong Chính phủ và trong Quốc hội sau cách mạng trở thành phổ biến và chiếm phần lớn thời gian nghị sự của các nhà "cách mạng". Đây là nguyên nhân khiến tình hình kinh tế, xã hội tại các nước từng đua nhau theo "cách mạng màu" chẳng những không được nâng lên như kỳ vọng, mà còn bị nhấn chìm xuống những tầng nấc thấp hơn. Rõ ràng, "sắc màu " thì có, nhưng "cách mạng" thì không. Nhìn lại, đó chỉ là những cuộc động loạn chính trị nhằm lật đổ chính quyền vốn gần gũi Nga bằng một chính thể mới theo đuổi lợi ích của Mỹ và phương Tây ở khu vực này.

Tại Ucraina, khái niệm "tự do, dân chủ" đang được đánh giá lại sau 5 năm suy ngẫm với cách mạng cam. Giấc mơ màu cam rực rỡ năm nào nay đã trở nên héo úa và vô vọng. Những con số nghiệt ngã mà Chính phủ thân phương Tây ở đất nước vốn là một phần của Liên Xô trước đây không thể ngờ tới đã cho thấy điều đó. Trong vòng 2 năm qua, tỷ lệ thất nghiệp tăng 9 lần, đồng nội tệ mất giá tới 60%, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 17%, lạm phát phi mã tới 16,4%. Nền kinh tế của quốc gia 46 triệu dân này thoát được sụp đổ là nhờ khoản cho vay 16,4 tỷ USD của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mà chưa biết đến lúc nào người dân nước này mới trả hết. Cùng với "cách mạng Cam", giấc mơ gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng chỉ là hư ảo. Trong khi đó, quan hệ giữa Ucraina với nước láng giềng Nga trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế.

Hiện tại, "ông chủ" cách mạng Cam - oai vệ giữa rừng cờ hoa rợp trời 5 năm trước - đang phải đối mặt với "giây phút sự thật" của chính bản thân. Sự ủng hộ của dân chúng dành cho "người hùng" đã nhanh chóng bốc hơi sau 5 năm tại vị. Bài học đắt giá của "cách mạng Cam" khiến ngay cả Phó Thủ tướng Ucraina Hrihoriy Nemyria phải cay đắng thừa nhận: "Có khoảng cách lớn giữa những lời đao to búa lớn và thực tế".

Trong khi đó, nữ Thủ tướng, ứng cử viên Tổng thống Giulia Timôsencô, để tiếp tục đứng vững đang cố xua đi những gì có thể khiến cử tri liên tưởng tới một nhân vật "thổi hồn" cho "cách mạng Cam". Còn ứng cử viên Víchto Yanucôvích - nhân vật bị phe "cách mạng Cam" tố cáo gian lận trong cuộc bầu cử năm 2004 - đang trở lại một cách ngoạn mục với số phiếu ủng hộ cao nhất ở vòng 1 (35,32%), vượt xa ứng cử viên đứng thứ 2, bà Timôsencô tới hơn 10% số phiếu.

Vẫn còn quá sớm để nói ai thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vòng 2 tại Ucraina. Tất cả những gì đang diễn ra cho thấy "cách mạng Cam" đã kết thúc cuộc chơi lịch sử cùng những ảo tưởng của nó.

Trong mắt dân chúng hiện nay ở các nước sở tại, "hoa hồng" xem ra đã phai, "cam" thì rõ úa và "tuylíp" chẳng thấy đâu. Không có một đôminô "tự do, dân chủ" nào có thể dựng lên từ ảo tưởng. Tâm lý số đông và giấc mơ "cách mạng sắc màu", trong đó có "cách mạng Cam", cuối cùng đã và đang được thức tỉnh một cách phũ phàng.

Lâm Phương