Phòng chống tệ nạn mại dâm trong các cơ sở dịch vụ nhạy cảm

Pháp luật - Ngày đăng : 06:50, 25/01/2010

Về bề nổi, có thể khẳng định tệ nạn mại dâm trên địa bàn Hà Nội không


Theo đánh giá của BCĐ Phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm TP, ở địa bàn công cộng không còn tình trạng gái bán dâm tụ tập đông, đứng đường công khai mời chào khách như những năm trước đây. Nhưng đến nay, ở một số tuyến đường thuộc các quận nội thành vẫn còn tình trạng gái đứng đường vẫy khách, hoạt động lưu động. Nói về mức độ tinh vi khiến cho công tác đấu tranh ngày càng khó khăn phải kể đến hoạt động mại dâm, khiêu dâm trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ. CATP cho biết, hiện Hà Nội có 4.688 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, gồm hàng nghìn khách sạn, nhà nghỉ, vũ trường, karaôkê, xông hơi, mát xa. Ngoài ra, diện địa bàn "nguy cơ cao" được nhắc đến là 883 quán cà phê "đèn mờ", 408 quán cắt tóc gội đầu thư giãn... Với các cơ sở kinh doanh này, việc kiểm tra phát hiện hoạt động tệ nạn gặp khó khăn vì số lượng cơ sở lớn, về mặt pháp lý phải "bắt quả tang" mới có thể xử lý. Yếu tố phức tạp trong đấu tranh với tệ nạn mại dâm ở các cơ sở này còn là vì ngoài 2.077 phụ nữ bán dâm có hồ sơ quản lý, hàng nghìn tiếp viên, nhân viên nữ phục vụ trong các nhà hàng, quán bar, vũ trường, gội đầu thư giãn đều có thể có hành vi tệ nạn mà rất khó bị phát hiện, quản lý. Như trong vụ việc được khám phá tại quán karaôkê Lan Anh (ở Thuận Hòa, Ngọc Lâm, Long Biên), các tiếp viên được sự đồng ý của chủ quán để đi bán dâm nhưng trước đó vờ ký "giấy xin nghỉ việc" để tránh sự liên đới của người tổ chức, môi giới mại dâm...

Đó chính là nguyên nhân khách quan dẫn đến việc phòng chống tệ nạn mại dâm trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ thời gian qua còn rất hạn chế. Về mặt chủ quan, BCĐ Phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm TP thừa nhận là nhiều quận, huyện, ngành còn thụ động, triển khai chậm các kế hoạch, chỉ thị của TP trong công tác này, trong đó có Chỉ thị 22/CT-UBND về tăng cường quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ trong tình hình mới. Từ đó hoạt động kiểm tra liên ngành chưa được thường xuyên, chỉ tập trung vài đợt trong năm, một số nơi kiểm tra qua loa, phối hợp giữa các ngành chức năng trong việc kiểm tra, thanh tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ chưa thường xuyên. Chưa kể là việc xử lý cơ sở khi phát hiện vi phạm cũng chưa đủ nghiêm, chưa đủ sức răn đe, khiến hiệu quả phòng chống mại dâm bị hạn chế.

Để khắc phục những khó khăn khách quan, các cơ quan chức năng của Hà Nội đã kiến nghị đưa loại hình kinh doanh bar ca nhạc, cắt tóc, gội đầu thư giãn, tẩm quất vào danh sách đối tượng điều chỉnh của Nghị định 87/CP (ngày 12-12-1995). Ngoài ra, TP cũng sẽ nghiên cứu, sớm ban hành văn bản về cấp giấy phép, thu hồi giấy phép kinh doanh, hành nghề đối với các loại hình kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, dễ phát sinh tệ nạn mại dâm. Với chế tài này, việc đình chỉ các cơ sở có vi phạm sẽ được chủ động hơn, đủ sức răn đe, ngăn chặn hoạt động mại dâm. Hiện TP đang triển khai thực hiện "Quy chế phối hợp liên ngành phòng chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn TP Hà Nội", qua đó tăng cường sự tham gia của các cấp, các ngành. Riêng về phía lực lượng CA, Thượng tá Dương Văn Giáp, Phó Trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTXH - CATP cho rằng, phải đề cao vai trò, trách nhiệm của CSKV trong công tác quản lý địa bàn, phát hiện vi phạm và chức năng tham mưu của các lực lượng nghiệp vụ CA quận tới cấp cơ sở, để xử lý có hiệu quả những vi phạm...

Với những biện pháp có tính chất tăng cường này, kết hợp với các biện pháp cơ bản khác, BCĐ Phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm TP tin tưởng năm 2010 sẽ thực hiện được mục tiêu giải quyết cơ bản tệ nạn mại dâm trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng.

Tư Đô