Phát triển nhà đầu tư tổ chức: Cần loại bỏ nhiều rào cản
Tài chính - Ngày đăng : 05:53, 24/01/2010
Ngược thông lệ
Theo thống kê, tỷ trọng giá trị giao dịch hằng ngày của nhà đầu tư tổ chức (bao gồm các quỹ đầu tư, công ty chứng khoán có mảng tự doanh... trong nước cũng như nước ngoài) chỉ chiếm khoảng 15%, còn lại 85% thuộc về nhà đầu tư cá nhân. Tỷ lệ này gần như ngược lại so với TTCK tại các nước phát triển khi nhà đầu tư tổ chức chiếm khoảng 80-85% giá trị giao dịch hằng ngày. Ngay cả ở những thị trường có mức độ "khiêm tốn" hơn, nhà đầu tư tổ chức cũng chiếm 60-70% tỷ trọng giá trị giao dịch. Mặt khác, vốn kinh doanh cổ phiếu của các tổ chức trong nước cũng nhỏ bé so với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Đây là những đặc điểm hoàn toàn trái ngược với thông lệ quốc tế.
Tại Sàn giao dịch chứng khoán ACBS. Ảnh: Đàm Duy |
Ở góc độ cơ cấu cổ đông trong công ty đại chúng, nếu không tính tỷ lệ nắm giữ của cổ đông nhà nước thì nhà đầu tư cá nhân trong nước chiếm khoảng 70-85% vốn điều lệ, còn lại của nhà đầu tư tổ chức. Đây là một tỷ lệ rất "lỏng", trong khi theo thông lệ quốc tế thì ngược lại.
TTCK Việt Nam đã có hơn 9 năm hoạt động. Đến thời điểm này, cả nước có khoảng 700 nghìn tài khoản. Mặc dù đã có hơn 100 công ty chứng khoán ra đời hoạt động, khoảng 50 công ty quản lý quỹ trong nước (được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cấp phép thành lập), hàng trăm tổ chức nhà đầu tư nước ngoài tham gia TTCK, đồng thời hầu hết tổ chức tài chính trong nước như các ngân hàng thương mại, công ty tài chính, bảo hiểm... đều tích cực tham gia nhưng lực lượng nhà đầu tư tổ chức vẫn chưa đạt được yêu cầu, đặc biệt là nếu so với các thị trường chứng khoán quốc tế. Hậu quả là mỗi khi gặp khủng hoảng (TTCK đã trải qua 3 cuộc "đại khủng hoảng" và nhiều thăng trầm khác), thị trường thường có biến động, mức độ được đánh giá là "lớn nhất thế giới". Điều trớ trêu là các điều kiện kinh tế vĩ mô vẫn bình thường hoặc nền kinh tế không gặp nhiều khó khăn như các nước khác. Tại sao lại như vậy? Lý do rất dễ hiểu là số lượng tổ chức đầu tư quá nhỏ bé so với lực lượng nhà đầu tư cá nhân nên không thể đóng vai trò là nhân tố ổn định cũng như dẫn dắt thị trường. Chẳng hạn tại thời điểm "tiền đại khủng hoảng" năm 2008, TTCK có hơn 300 nghìn tài khoản hoạt động song chỉ có chưa đến 300 nhà đầu tư tổ chức.
Trong tương quan, trước hết về tiềm lực tài chính, vốn của nhà đầu tư cá nhân quá nhỏ so với nhà đầu tư tổ chức. Với nhà đầu tư cá nhân, vốn đầu tư có thể từ vốn tự có, đi vay (thường là ngắn hạn) hoặc cả hai; trong khi đó, nhà đầu tư tổ chức huy động vốn từ nhiều cổ đông với mục đích kinh doanh chứng khoán trong một khoảng thời gian nhất định (thường là 5 năm). Tại thời điểm đầu năm 2008, áp lực trả nợ đã buộc nhiều nhà đầu tư cá nhân phải bán tháo, dẫn thị trường... đi vào tình cảnh hoảng loạn. Nhà đầu tư tổ chức cũng có chiến lược đầu tư dài hạn với mong muốn đạt được lợi nhuận kỳ vọng đặt ra hơn là nhà đầu tư cá nhân chỉ thích "gặt lúa non". Mặt khác, nhà đầu tư cá nhân thường thiếu thông tin chính xác mà chủ yếu căn cứ vào... "tin đồn", đồng thời gặp nhiều hạn chế trong đánh giá tình hình hoạt động kinh doanh… của doanh nghiệp để quyết định đầu tư...
Phát triển lực lượng nhà đầu tư tổ chức là yêu cầu và xu thế tất yếu nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững của TTCK. Điều này vô cùng quan trọng bởi TTCK không chỉ là "hàn thử biểu" mà trước hết là kênh huy động vốn cực kỳ hiệu quả của nền kinh tế.
Quá nhiều bất cập
Các chuyên gia kinh tế nhận định, để phát triển lực lượng nhà đầu tư tổ chức, cần triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp, bao gồm cải cách thủ tục hành chính (liên quan đến việc thành lập và hoạt động các tổ chức đầu tư chứng khoán), loại bỏ những bất bình đẳng đang tồn tại hiện nay (đối với các tổ chức đầu tư tài chính)…
Trước hết, về chứng chỉ hành nghề kinh doanh chứng khoán, rất nhiều ý kiến phàn nàn hiện có nhiều loại chứng chỉ hành nghề liên quan đến việc thành lập và hoạt động của công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán... Nhìn chung, các loại chứng chỉ hành nghề này ít tác động tích cực đến việc quản lý công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ mà lại là rào cản khiến thủ tục cấp chứng chỉ nhiêu khê, phức tạp... Vì vậy, cần bãi bỏ các loại chứng chỉ hành nghề này và chỉ giữ lại một loại chứng chỉ là kiểm tra kiến thức về cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật về chứng khoán (UBCKNN có thể đề ra các cấp độ kiểm tra). Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính, nên nghiên cứu công cụ mới là "Thẻ hành nghề kinh doanh chứng khoán". Công cụ này có thể răn đe có hiệu quả những vi phạm pháp luật về chứng khoán đang ... "nở rộ" hiện nay.
Thứ hai, thủ tục thành lập công ty quản lý quỹ cũng đang được xem là phức tạp và khó khăn nhất thế giới. Thủ tục thành lập quỹ đầu tư chứng khoán lại càng khó khăn và phức tạp hơn. Thậm chí, nhiều trường hợp xin được giấy phép thành lập quỹ thì doanh nghiệp đã mất cơ hội huy động vốn hoặc làm cho các nhà đầu tư nản lòng. Riêng với quỹ công chúng, ông Hải cho rằng cần cắt giảm... 80% thủ tục hành chính...
Nhiều rào cản và bất bình đẳng khác cũng đang "ghìm chân" các tổ chức đầu tư tài chính, nhất là cơ chế thuế thu nhập doanh nghiệp trong đầu tư cổ phiếu và trái phiếu. Vì vậy, nhiều pháp nhân trong nước có hoạt động đầu tư chứng khoán phải tìm cách "lách" để tránh phải đóng thuế cao như giao tiền cho cá nhân kinh doanh chứng khoán hay mua bán cổ phiếu OTC thì kê giá mua cao, bán giá thấp trong các hợp đồng mua bán với cá nhân nhằm tạo thu nhập lỗ hoặc lãi ít... Tuy nhiên, những doanh nghiệp hoạt động bài bản, minh bạch thì không thể áp dụng cách thức hạch toán như trên và phải chịu thiệt thòi.
Do các nhà đầu tư thành lập quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty chuyên đầu tư chứng khoán phải chịu thuế cao hơn rất nhiều so với cá nhân và tổ chức nước ngoài nên họ chỉ muốn đầu tư theo hình thức cá nhân để không bị thu thuế cao, dẫn đến hạn chế sự ra đời của nhà đầu tư tổ chức kinh doanh chứng khoán. Cũng theo Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính, đầu tư chứng khoán là một hoạt động rất đặc thù và đầy rủi ro, vì vậy cần có những quy định để phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như tạo một sân chơi bình đẳng cho mọi đối tượng. Chẳng hạn, với nhà đầu tư tổ chức trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và cá nhân đầu tư phải cùng áp dụng một phương pháp tính thuế; khi thị trường OTC chưa đi vào hoạt động có tổ chức thì nên áp dụng phương thức thuế khoán cho mọi đối tượng đầu tư, đồng thời Nhà nước không nên thu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động đầu tư trái phiếu...