Nguyễn Trãi trong lòng quê hương Nhị Khê

Xã hội - Ngày đăng : 05:26, 24/01/2010

(HNM) - Làng Nhị Khê xưa có tên nôm là làng Dũi (thuộc huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam thượng). Nằm ở phía nam kinh thành Thăng Long, Nhị Khê không chỉ nổi tiếng với nghề tiện, cung cấp sản phẩm tinh xảo cho kinh thành và các tỉnh, mà còn là đất văn hiến, khoa bảng với các danh nhân Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi, Dương Bá Cung, Lương Văn Can, Lương Ngọc Quyến...

Sử sách đều ghi tổ tiên Nguyễn Trãi vốn ở xã Chi Ngại, huyện Phượng Sơn, nay là huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Sau đó, ông nội đưa hai cha con Nguyễn Trãi đến Nhị Khê. Nguyễn ứng Long, cha Nguyễn Trãi, mở trường dạy học ở Trại Ổi. Yêu mến nơi đất lành, ông lấy hiệu là Nhị Khê, dân làng gọi ông bằng tấm lòng tôn sư trọng đạo: Nhị Khê tiên sinh. Mới 6 tuổi, Nguyễn Trãi đã chăm chỉ đọc sách thánh hiền.Và Nhị Khê văn hiến - cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn thuở ấu thơ của Nguyễn Trãi, trở thành quê hương thân thuộc với những cánh đồng bãi xanh mướt bên sông Tô như bãi Sếu, đống Hạ, đống Rậm, bờ Ngòi... để từ đây, ông theo gương sáng của người thầy, người cha thân yêu mà luyện chí, đem lòng yêu nước thương dân ra phò vua, cứu nước, xây dựng triều Lê với tư tưởng “Mến người có nhân là dân, mà chở thuyền, lật thuyền cũng là dân”. Dâng kế sách củng cố triều chính, chống bọn gian thần nhũng loạn, ông khuyên vua Lê Thái Tông: “Hòa bình là cái gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc... bệ hạ rủ lòng yêu thương muôn dân khiến cho thôn cùng xóm vắng không có một tiếng hờn giận oán sầu, đó tức là cái gốc của nhạc vậy”. Và ông ý thức sâu sắc trách nhiệm: “Ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày”.

Chính đức độ, lòng trung chính, yêu nước thương dân sâu sắc và tài năng kiệt xuất của ông đã dẫn đến thảm án Lệ Chi Viên. Năm Quang Thuận thứ 5 (1464), vua Lê Thánh Tông minh oan và cho con trai duy nhất còn sống sót là Nguyễn Anh Vũ làm tri huyện, cấp 100 mẫu ruộng gọi là ruộng miễn hoàn cho con cháu Nguyễn Trãi. Sau đó, dân làng Nhị Khê dựng đền thờ ông. Thế phả họ Nguyễn ghi: đền dựng ở xóm Trù Lý, đến thời Minh Mạng mới chuyển ra địa điểm hiện nay; năm 1927, đền được đại trùng tu; năm 1932 mới xây cổng đền và tường bao quanh.

Đền có kiến trúc theo kiểu chữ Đinh. Cho đến nay, đền còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý: Đôi hạc bằng gỗ mang nét chạm thời Lê; hai đạo sắc phong niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 28 (1768) và niên hiệu Tự Đức năm thứ 6 (1854). Gian giữa đền có hai tấm biển sơn son khắc chữ Hán, tương truyền là của vua Lê Thánh Tông ban cho Nguyễn Trãi khi được minh oan. Mặt trước của tấm biển thứ nhất đề “ức Trai tâm thượng quang khuê tảo”; mặt sau đề là “Lê triều khai quốc công thần”. Tấm biển thứ hai đề “Nhị Khê tướng công”. Nét đặc sắc nhất của ngôi đền là các bức hoành phi câu đối rất hàm súc ca ngợi tài đức Nguyễn Trãi. Ngay trên cổng đền là đôi câu đối:

Huân nghiệp hách Nam bang, văn mô vũ lược
Khoa danh lưu Việt sử, quốc miếu lương từ.

Dịch nghĩa:

Công lớn dậy trời Nam, tài văn mưu võ
Danh cao ghi sử Việt, miếu nước đền làng.

Trong đền, đại tự khắc trên hoành phi, câu đối đều là những lời châu ngọc ca ngợi bậc khai quốc công thần:

Khai quốc nguyên huân (Người có công đầu mở nước)
Bình Ngô khai quốc (Dẹp giặc Ngô mở nước).

Và:

Mưu vương tướng lược tranh thiên địa
ưu quốc thần tâm chiếu Đẩu Khuê.

Dịch nghĩa:

Mưu vị tướng giúp vua, so với trời đất
Lòng bề tôi lo việc nước, sáng sao Đẩu, sao Khuê.

Trong hậu cung, bức chân dung lớn của Nguyễn Trãi đội mũ quan văn, mặc triều phục đang hiền từ nhìn hậu thế.

Tự hào và ghi nhớ công ơn vị anh hùng, nhà văn hóa lớn của dân tộc, năm 1980, kỷ niệm 600 năm ngày sinh Nguyễn Trãi, xã Nhị Khê đã xây dựng quần thể kiến trúc khu đền: hồ bán nguyệt ở phía trước, tượng Nguyễn Trãi do nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo thiết kế. Năm 2004, toàn bộ quần thể di tích được trùng tu khang trang. Trường học của Nguyễn Phi Khanh ở xóm Hạ và nhà bia cũng được tôn tạo lại để nhắc nhở con cháu giữ vững truyền thống hiếu học của quê hương.

Hơn 600 năm đã qua, hậu duệ của Nguyễn Trãi ở Nhị Khê tỏa đi khắp đất Việt, từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa đến Hà Nam, Hưng Yên... với những danh nhân nổi tiếng như Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Du, Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Văn Cừ... Còn ở Nhị Khê, 4 chi họ Nguyễn đã góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh, được công nhận là làng nghề, làng văn hóa cấp quốc gia. Hằng năm, con cháu họ Nguyễn từ bốn phương trời lòng thành về quê hương bái yết tổ tiên, thắp nén hương thơm trước mộ Tổ và đền thờ Nguyễn Trãi mà lòng càng thêm tự hào về dòng họ, về ngôi sao Khuê của đất nước đã làm rạng danh đất văn hiến Nhị Khê. Dân làng Nhị Khê gọi khu đền thờ Nguyễn Trãi bằng cái tên đầy trân trọng: “Đền Ông Khai Quốc”.

Nguyễn Quang Dũng