Thăng Long trong chương trình “Cây lộc vừng”

Văn hóa - Ngày đăng : 05:12, 24/01/2010

(HNM) - Ngày 22-1, VTV3 - Đài THVN đã tổ chức ghi hình chương trình đặc biệt

Cây lộc vừng là chương trình ca nhạc, nghệ thuật tổng hợp, với nhiều hình thức phong phú, vừa tái hiện lại phần nào những dấu son của dân tộc, vừa nhắc lại phần nào lịch sử âm nhạc Việt Nam với những loại hình nghệ thuật dân gian như tuồng, chèo, hát ả đào, sẩm... Âm nhạc đương đại, các ca khúc cách mạng hay nhạc trẻ Việt Nam cũng là một phần không thể thiếu để tạo một dàn hợp xướng mang đầy đủ dấu ấn của nhạc Việt.

Chương trình xoay quanh nhân vật được nhân cách hóa là Cây lộc vừng. Cây lộc vừng trở thành người kể chuyện và là nhân chứng cho từng thời kỳ lịch sử quan trọng của dân tộc tính từ 1000 năm trước cho đến nay. Bằng cách dẫn chuyện nhẹ nhàng, được mô tả bằng những tiết mục nghệ thuật đặc sắc, chương trình tạo ra một cầu nối giữa âm nhạc và lịch sử, vẽ lại bức tranh Xuân với những mảng màu sắc phong phú: Xuân chiến công, Xuân đấu tranh, Xuân thắng lợi, Xuân xây dựng đất nước.

Chương trình gồm 4 phần dựa vào sự phát triển của nhân vật tượng trưng là cây lộc vừng, gồm: Hạt lộc vừng (Sự hình thành Thăng Long), Cây lộc vừng (Quá trình vươn lên, đấu tranh để giành quyền dân tộc), Hoa lộc vừng (Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh đạo dân tộc bước sang thời đại mới), Trái lộc vừng (Hòa bình, độc lập và sự phát triển đất nước). Ở phần kết, khách mời kể về những câu chuyện dung dị xảy ra hằng ngày, vào mỗi mùa xuân mới quanh cây lộc vừng già. Đó có thể là câu chuyện về người lính già chờ đợi mùa xuân đầu tiên; là tâm hồn của những nghệ sĩ đường phố; là câu chuyện quanh tà áo dài; là ước vọng xây dựng hạnh phúc gia đình và vun đắp tương lai cho lớp con cháu...

Lấy hình ảnh cây lộc vừng làm chủ đạo cho các phần sáng tác, chương trình muốn gửi thông điệp tới khán thính giả: Lịch sử đã có những mùa xuân chiến đấu và chiến thắng, đó là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, đó được coi như Lộc của lịch sử dân tộc. Và trong thời đại ngày nay, lộc vừng như một tượng trưng cho hòa bình, là sự phát triển của đất nước, là tương lai dành cho thế hệ kế cận của dân tộc Việt Nam sau này.

Các vị khách mời tham gia trò chuyện: Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nhà báo Hữu Thọ, nhà văn Chu Lai. Các nhạc sĩ và ca sĩ tham gia chương trình: Trần Tiến, Quyền Văn Minh, Trần Mạnh Tuấn, Hà Anh Tuấn, Phương Linh, Hoàng Hải, Lưu Hương Giang, Hồ Hoài Anh, nhóm Mặt Trời Mới… với các ca khúc về mùa Xuân, về Thăng Long - Hà Nội… Người dẫn chuyện xuyên suốt chương trình là nhà báo Lại Văn Sâm.

An Bình