Vô lý quá chuyện không được nghiêm khắc với học sinh

Giáo dục - Ngày đăng : 05:10, 24/01/2010

(HNM) - Nhiều giáo viên hiện nay than:

Không được quát mắng, xúc phạm nhân cách học sinh, không được phạt học sinh không cho học môn của mình, không được bỏ bài không dạy khi giận dỗi... đều là những "không" rất đúng mà giáo viên không nên làm. Nhưng không được phạt học sinh đứng xó, không được bắt học sinh viết 100 lần lời xin lỗi... thì nếu vậy, giáo viên sẽ dùng biện pháp nào để giáo dục nghiêm khắc học sinh. Giáo viên có thể không được dùng những biện pháp "phát xít" nhưng vẫn cần phải có những hình thức giáo dục mạnh mẽ để dạy dỗ học sinh, từ đó giúp học sinh nhận ra khuyết điểm của mình. Từ thực tế trong học sinh của em mà em nhận ra rằng, biện pháp "vỗ về, ve vuốt" không phải lúc nào cũng hiệu quả. Thậm chí, có lúc nó còn mang lại hiệu ứng ngược. Nghĩa là học sinh bị phạt sẽ nhận thức giáo viên không dám dùng biện pháp mạnh vì e ngại mất danh tiếng, ảnh hưởng đến thành tích và "cứ tái phạm đi, chẳng sao đâu". Như vậy, có phải là biện pháp giáo dục ấy không có hiệu quả không?

Ông Vũ Minh Thông, phụ huynh học sinh, ở ngõ 456 Thụy Khuê
Mới đây, đọc báo mạng tôi thấy vụ học sinh hành hung thầy giáo đến ngất xỉu và phải đi cấp cứu bệnh viện ở Châu Thành, An Giang tôi mới thấy sự "tôn sư trọng đạo" trong xã hội bị đảo lộn làm sao! Và có thể đó cũng là hệ lụy của sự "dân chủ, tôn trọng" mà chúng ta đặt ra cho giáo viên trong ứng xử, giáo dục học sinh. Tôi từng nghe thời xưa, học trò nếu phạm phải lỗi lầm, sẽ bị phạt theo hình thức quỳ gối lên vỏ mít, tự lấy tay vả vào miệng mỗi khi nói bậy... và đến thời tôi, bị phạt thì chuyện đứng xó lớp vẫn xảy ra. Bây giờ nói đến chuyện "8 không" của giáo viên, có những "không" thực hiện hoàn toàn đúng. Nhưng có những "không" nếu thực hiện thì thật vô lý. Tôi lấy ví dụ, nếu cần giáo dục học sinh hư, cá biệt, giáo viên phải dùng biện pháp gì? Đuổi học tất nhiên là hình thức cuối cùng và chỉ đối với những học sinh không thể "giáo dục" được trong học đường mới làm như vậy. Nhưng còn những học sinh vi phạm chưa đến mức phải áp dụng hình thức ấy sẽ xử lý thế nào? Tôi thấy cái "8 không" "tước toàn bộ vũ khí" của giáo viên. Mỗi lần đọc trên báo mạng tôi thấy "dị ứng" với những phụ huynh, cứ phẫn nộ đùng đùng trước hình thức phạt học trò của giáo viên. Mà những hình thức ấy nặng nề gì khi là phạt đứng ở góc lớp, khi là viết lời xin lỗi 100 lần... Thế tại sao họ không nghĩ đến hiệu quả của hình thức giáo dục ấy là con cái họ trở nên ngoan ngoãn, học tập tốt hơn... Và từ thực tế cuộc sống của họ là trước mọi sai lầm của con cái không phải lúc nào họ cũng có thể nhẹ nhàng nói những lời ngọt ngào vào tai con. Vậy ở học đường cũng thế, phải có lúc mềm dẻo, uyển chuyển, nhưng có lúc cũng cần cứng rắn, nghiêm khắc với học sinh. Ý kiến của tôi rất khách quan và chân thành. Tôi hy vọng nhiều người đồng quan điểm với tôi để tạo sự thuận lợi cho giáo viên trong giáo dục học sinh chứ không đặt ra những luật bất thành văn theo kiểu "8 không" như trên. 

Nguyễn Xuân Bách