Cuộc chạy đua tăng vốn
Kinh tế - Ngày đăng : 04:52, 24/01/2010
Những ngày cuối năm Kỷ Sửu, khi Tết Nguyên Đán Canh Dần đang cận kề, người dân có thêm đồng công, đồng thưởng qua một năm lao động. Đây cũng chính là dịp để các ngân hàng (NH) bắt đầu cuộc chạy đua nhằm thu hút tiền nhàn rỗi để tăng vốn.
Ngân hàng nhỏ sẽ thuận lợi khi tăng vốn?
Mặc dù hoạt động trong thời điểm nền kinh tế thế giới chưa thực sự thoát khỏi khủng hoảng, kinh tế trong nước mới từng bước phục hồi, nhưng năm qua hệ thống NH hoạt động khá thành công. Theo các chuyên gia, cái đích 3.000 tỷ đồng vốn điều lệ phải đạt được trong năm nay không phải là quá khó với các NH, bởi thị trường chứng khoán hoạt động khá sôi động, cộng với tình hình kinh doanh của các NH được dự báo sẽ thuận lợi hơn trong năm 2010.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam. Ảnh: Bảo Lâm |
Theo lộ trình, hết năm 2010, các ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài phải có mức vốn pháp định là 3.000 tỷ đồng. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài mức vốn pháp định là 15 triệu USD. |
NH TMCP Dầu khí Toàn Cầu (GP.Bank) vừa hoàn thành tăng vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng. Ông Phạm Quyết Thắng, Tổng Giám đốc GP.Bank cho biết, NH tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng là một bước đi trong lộ trình tăng vốn nhằm nâng cao năng lực tài chính, tỷ lệ đầu tư vốn, đồng thời tạo điều kiện để GP.Bank đầu tư công nghệ, mở rộng mạng lưới kinh doanh, phát triển thêm sản phẩm, dịch vụ mới. Đây cũng là bước đi vững chắc tạo điều kiện cho GP.Bank tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng vào cuối năm 2010. Hiện GP.Bank có tổng tài sản gần 18.000 tỷ đồng, tổng huy động vốn 9.000 tỷ đồng, lợi nhuận năm 2009 đạt 174 tỷ đồng. Đang có mức vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, NH TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa trình NH Nhà nước kế hoạch tăng vốn lên 3.500 tỷ đồng trong năm nay. SHB cũng sẽ phát hành 15 triệu trái phiếu chuyển đổi kỳ hạn 12 tháng, mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, trong đó 10 triệu trái phiếu sẽ dành cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 20:1 (cổ đông sở hữu 20 cổ phiếu sẽ được mua 1 trái phiếu) với giá 100.000 đồng/trái phiếu; 5 triệu trái phiếu phát hành cho các tổ chức và cá nhân tiềm năng khác, với giá 125.000 đồng/trái phiếu. Sau 12 tháng, trái phiếu sẽ được chuyển đổi thành cổ phiếu theo tỷ lệ 1 trái phiếu quy đổi thành 10 cổ phiếu. Với đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi này, SHB sẽ đạt mức vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng vào đầu năm 2011. Trong nhóm NH nhỏ phải chạy đua tăng vốn còn có NH TMCP Nam Việt (NaviBank), NH TMCP Miền Tây. Hai ngân hàng này vừa hoàn thành việc tăng vốn từ 1.000 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng. NH TMCP Bắc Á (BAC A BANK) nâng vốn từ 1.744 tỷ đồng lên 2.120 tỷ đồng. Từ nay đến hết năm, 3 NH trên sẽ phải tiếp tục tăng vốn nếu không muốn bị sáp nhập với NH khác.
Cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ "rớt" giá?
Không nằm trong nhóm NH phải "chạy đua" để đạt được mức vốn quy định, nhưng một số NH lớn hơn vẫn tìm cách huy động vốn để mở rộng mạng lưới. NH TMCP An Bình (ABBANK) đã tăng vốn từ 2.850 tỷ đồng lên 3.482 tỷ đồng, NH TMCP Phát triển nhà Hà Nội (Habubank) "cán đích" 3.000 tỷ đồng, còn NH TMCP Quốc tế (VIB) tăng lên 4.000 tỷ đồng từ cuối năm 2009. Trước đó, NH TMCP Sài Gòn - Thương Tín (Sacombank) điều chỉnh vốn điều lệ từ 5.115 tỷ đồng lên 6.700 tỷ đồng. NH TMCP Liên Việt (LienVietBank) cũng tăng vốn từ 3.300 tỷ đồng lên 3.650 tỷ đồng. Ông Nguyễn Đức Hưởng, Tổng Giám đốc LienVietBank cho biết, NH đang chuẩn bị các thủ tục để niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh nhằm hướng tới sự công khai, minh bạch và đáp ứng nguyện vọng của các nhà đầu tư. Ngay từ năm đầu tiên hoạt động, LienVietBank đã thuê kiểm toán quốc tế có uy tín kiểm toán và tổ chức thực hiện các thủ tục cần thiết khác theo quy định của Luật Chứng khoán.
Ngân hàng TMCP An Bình đã tăng đủ số vốn điều lệ. Ảnh: Linh Tâm |
Tham gia "cuộc đua" về tăng vốn không chỉ có các NH trong nước, mà còn có cả NH liên doanh, NH 100% vốn nước ngoài... Ngay từ đầu năm 2010, NH Nhà nước đã chấp thuận cho NH liên doanh Shinhanvina tăng vốn điều lệ từ 65 triệu USD lên 75 triệu USD. Tuy nhiên, với mức vốn 75 triệu USD này, Shinhanvina cũng mới chỉ đạt gần một nửa số vốn quy định, vì vậy NH này cũng không tránh khỏi phải tiếp tục huy động vốn từ nay đến cuối năm. Trước đó, NH liên doanh Indovina (IVB) tăng vốn từ 100 triệu USD lên 125 triệu USD; NH ANZ Việt Nam từ 1.000 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là có quá nhiều NH cùng tăng sẽ gây khó khăn cho nhà đầu tư và làm "loãng" cổ phiếu NH? Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đã có nhiều loại hàng hóa, thì việc có thêm hàng chục NH tăng vốn bằng cách phát hành thêm cổ phiếu trong năm nay sẽ khiến cổ phiếu ngành NH "rớt" giá?