Cơn chấn động cuối tuần
Thế giới - Ngày đăng : 04:32, 24/01/2010
Trong phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu tại Niu Yoóc (Mỹ) giao tháng 3-2010 đã giảm 1,54 USD xuống còn 74,57 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 22-12-2009. Còn tại Luân Đôn (Anh), giá dầu thô Brent biển Bắc giao cùng tháng giảm 1,75 USD xuống còn 72,83 USD/thùng.
Các chỉ số của thị trường chứng khoán phố Uôn bị rớt điểm vào cuối tuần. |
Cùng với giá dầu, các thị trường chứng khoán thế giới trong phiên giao dịch cuối tuần do tác động sau tuyên bố trên của Tổng thống Mỹ Barắc Ôbama đã đồng loạt đi xuống.
Thị trường chứng khoán phố Uôn (Mỹ) đi đầu với mức giảm thấp nhất kể từ tháng 3-2009 kéo giá chứng khoán châu Á lao xuống theo. Các thị trường từ Ôxtrâylia đến Hồng Công (Trung Quốc), Nhật Bản và Hàn Quốc giảm tới 2,5% trong 24 giờ qua. Tại Manila (Philíppin), Thượng Hải (Trung Quốc) giá cổ phiếu cũng giảm 1%. Thị trường chứng khoán châu Âu cũng không sáng sủa hơn khi cũng giảm 1%. Cùng đà đi xuống của thị trường chứng khoán toàn cầu, làn sóng bán tháo cổ phiếu dâng cao khắp thế giới trong bối cảnh luồng tiền giải ngân có xu hướng bị thắt chặt sau ý định cải tổ hệ thống ngân hàng lớn nhất thế giới của người đứng đầu nước Mỹ. Tại Mỹ, làn sóng bán chốt lời dâng cao khiến hàng tỷ USD bốc hơi trong 2 ngày qua.
Kế hoạch cải tổ hệ thống ngân hàng của Tổng thống Ôbama đưa ra ngày 22-1, được giới tài chính quốc tế nhận định là một kế hoạch cải tổ sâu rộng nhất từ trước đến nay của Mỹ. Trong đó đặc biệt lưu ý các ngân hàng bớt chơi chứng khoán để tránh một đổ vỡ tài chính thậm chí lớn hơn như vừa diễn ra. Theo kế hoạch cải tổ, các quy định mới nghiêm ngặt hơn sẽ được áp đặt nhằm hạn chế các thể chế ngân hàng lao vào các đầu tư rủi ro cao từng góp phần gây ra cuộc khủng hoảng tài chính cuối năm 2008. Tổng thống Ôbama chỉ trích lãnh đạo các công ty tài chính đã cử một "đội quân vận động hành lang" nhằm chống lại các nỗ lực của Nhà Trắng nhằm cải tổ hệ thống ngân hàng và tuyên bố sẽ không ngại "đối đầu" để thực hiện bằng được ý định cải tổ hệ thống ngân hàng Mỹ. Thái độ cương quyết của người đứng đầu Nhà Trắng đã tạo ra cơn chấn động được dự báo là sẽ còn tiếp diễn trong những ngày tới trên thị trường tài chính quốc tế.
Kế hoạch cải tổ hệ thống ngân hàng đang được khởi động tại Mỹ được kỳ vọng là sẽ góp phần ngăn chặn các ngân hàng lớn nhất của Mỹ phình to thêm với các hoạt động mang tính rủi ro. Mặc dù còn phải được Quốc hội Mỹ thông qua, nhưng kế hoạch này cũng sẽ góp phần hạn chế các ngân hàng (trong đó có J.P Morgan Chase và Goldman Sachs) sở hữu, đầu tư hoặc tài trợ cho các quỹ đầu cơ hoặc các quỹ chứng khoán tư nhân hay bất kỳ công cụ đầu tư rủi ro nào khác vì lợi ích riêng. Thêm vào đó, nếu cuộc cải tổ ngân hàng Mỹ thành hiện thực các ngân hàng thương mại sẽ bị cấm mua bán các tài khoản của chính mình, một nghiệp vụ được gọi là kinh doanh độc quyền...
Một trùng hợp đáng chú ý, cũng trong ngày 22-1, Tòa án tối cao Mỹ đã ra quyết định chấm dứt các hạn chế vận động chính trị của các doanh nghiệp lớn. Theo đó, các nhóm lợi ích được tự do sử dụng những khoản tiền kếch xù để "vận động hành lang" ủng hộ cho các ứng cử viên có lập trường phản đối những đề xuất mới - chẳng hạn như kế hoạch cải tổ hệ thống y tế trước đó và hiện nay là ngân hàng - của Tổng thống Ôbama vào Quốc hội. Điều này không chỉ dự báo một cuộc chiến tốn kém trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sẽ diễn ra vào cuối năm nay, mà còn cho thấy kế hoạch cải tổ ngân hàng vừa đưa ra đã gây chấn động của Tổng thống B.Ôbama là một công việc không dễ dàng.