Còn nhiều sai sót, thiếu đồng bộ

Chính trị - Ngày đăng : 07:59, 23/01/2010

(HNM) - Tổng kết công tác ngành tư pháp năm 2009, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã thẳng thắn nhìn nhận về tình trạng


"Nợ" hướng dẫn chi tiết

Thủ tục hành chính vẫn gây khó khăn cho DN đăng ký kinh doanh.


Năm 2009, Bộ Tư pháp đã trình 37 văn bản, đề án (trong đó có 5 dự án luật) hoàn thành 92,5% nhiệm vụ được giao nhưng số văn bản ban hành và liên tịch ban hành chỉ đạt 41% kế hoạch. Tỷ lệ văn bản, đề án được duyệt thông qua lại thấp hơn năm 2008 (60,31%), một số dự thảo phải chỉnh sửa nhiều lần, làm chậm tiến độ trình và ban hành. Tình trạng nợ đọng quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật mới có hiệu lực vẫn chưa được khắc phục, trở thành nhiệm vụ trọng tâm của năm 2010 nhằm "xóa nghẽn" trong thực thi pháp luật. Trong đó tập trung đẩy nhanh việc ban hành những quy định hướng dẫn triển khai chi tiết: Luật Lý lịch tư pháp, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật Quốc tịch, Luật Thi hành án dân sự…

Với vai trò "người gác cổng", hoạt động kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật được củng cố, tăng cường đã phát hiện, kiến nghị xử lý kịp thời nhiều sai sót về nội dung, hình thức, được Quốc hội, Chính phủ đánh giá cao, dư luận và xã hội đồng tình ủng hộ. Qua rà soát, các cơ quan tư pháp địa phương phát hiện 12.017/295.179 văn bản có sai sót. Riêng Cục Văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp phát hiện 433/1.291 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật (chiếm 33,51%).

Để các quy định pháp luật đi vào đời sống xã hội, quy trình soạn thảo phải không ngừng đổi mới, tăng cường tính dân chủ, công khai, minh bạch, chú trọng tổng kết thực tiễn, kinh nghiệm, lấy ý kiến góp ý rộng rãi để chỉnh lý, bổ sung theo tiêu chí "thể chế đi trước một bước" nhằm nắm bắt, đón đầu các quan hệ pháp luật phát sinh.

Quản lý cắt khúc, chồng chéo… hiệu quả giảm

Nhìn lại cơ chế thực thi pháp luật hiện nay, có thể thấy vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc. Có những quy định pháp luật mà phạm vi điều chỉnh, quản lý liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau nhưng việc phân cấp, phân định trách nhiệm xử lý còn chưa rõ ràng. Như trong lĩnh vực môi trường, khâu thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, thu phí nước thải, trách nhiệm xử lý và thẩm quyền xử phạt các vi phạm còn lúng túng. Điển hình là vụ Công ty Vedan gây ô nhiễm trên sông Thị Vải gần đây cho thấy có sự chồng lấn trong thẩm quyền xử phạt vi phạm môi trường giữa cơ quan trung ương (Bộ Tài nguyên Môi trường) và chính quyền địa phương (UBND tỉnh Đồng Nai). Sự "đan xen" về thẩm quyền giữa các cơ quan quản lý dẫn đến sự cồng kềnh, chồng chéo của hệ thống văn bản pháp luật, làm cho việc tổ chức thi hành và phối hợp thêm phức tạp và giảm hiệu quả. Chính vì tồn tại thực trạng "cắt khúc" trong quản lý nên trong trường hợp quy định pháp luật không phát huy được hiệu lực thì các bộ, ngành và địa phương thường cũng "phân khúc" nhận trách nhiệm giới hạn thuộc phần mình quản lý mà thiếu đánh giá một cách hệ thống, tổng thể để kiến nghị xử lý những vấn đề pháp luật ở tầm vĩ mô.

Chưa kể, trong khi có lĩnh vực "khát" quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành chưa được ban hành đồng bộ, kịp thời thì ngược lại một số lĩnh vực khác lại có quá nhiều văn bản điều chỉnh. Theo Bộ Tư pháp, chỉ riêng lĩnh vực quy hoạch, tính đến tháng 12-2008, cả nước ban hành gần 11.000 văn bản, dẫn đến hệ quả là rất khó xác định tính hiệu lực và thực thi. Trong nhiều trường hợp, ngay cả các cơ quan, cán bộ nhà nước cũng gặp khó khăn khi lựa chọn các quy định thích hợp để xử lý những tình huống cụ thể.

Có thể nói, pháp luật chỉ thực sự phát huy được vai trò trong quản lý nhà nước và xã hội khi được thi hành một cách đầy đủ và nghiêm minh trên thực tế và đó cũng là thước đo chất lượng của công tác xây dựng pháp luật. Với tầm quan trọng đó, đề án "Triển khai thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ triển khai từ tháng 1-2010 đến tháng 6-2011 rà soát, đánh giá các quy định pháp luật hiện hành trên các phương diện: tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ, khả thi, nhằm phát hiện những điểm hạn chế, bất cập để kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện thể chế.

Bình Minh