Tiêu hủy đâu đã hết

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:39, 23/01/2010

(HNM) - Năm nào cũng vậy, những ngày cận Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng thường tăng cao, đặc biệt là mặt hàng bánh, mứt, kẹo. Vấn đề lựa chọn chủng loại chất lượng sao cho ngon miệng, đạt yêu cầu thẩm mỹ để bày bàn tiếp khách, tức là đẹp và ngon mắt, luôn được bà con ta lưu tâm.

Đáp ứng thị hiếu này, năm nào các nhà sản xuất các mặt hàng này cũng cố gắng cải tiến chất lượng, thay đổi mẫu mã bao bì để thu hút khách, ngay cả đến màu sắc sản phẩm cũng được giới tiểu thương "làm hàng", chăm chút chu đáo, sao cho bắt mắt để hấp dẫn người mua.

Cũng chính bởi chiều lòng thượng đế, đã có nhiều tiểu thương bất chấp nguy hiểm một cách vô lương tâm, sử dụng cả đến những hóa chất độc hại, phụ gia thuộc danh mục cấm sử dụng với thực phẩm, miễn sao bán được hàng và thu nhiều lợi nhuận.

Trong cùng một ngày (14-1), cơ quan chức năng vừa phát hiện hai vụ nghe rợn tóc gáy. Vụ thứ nhất: Thanh tra Vệ sinh an toàn thực phẩm (thuộc Sở Y tế Nam Định) phát hiện và tịch thu 200kg hạt dưa nghi nhiễm hóa chất Rhodamine B, loại cực kỳ độc hại với con người, ngoài ra còn có 8/9 loại hàng đã dùng phẩm màu công nghiệp để nhuộm "đẹp", đương nhiên thứ phẩm màu này có tên trong danh mục cấm lưu hành. Vụ thứ hai: Phòng Cảnh sát môi trường CA tỉnh Khánh Hòa cũng phát hiện một cơ sở kinh doanh (ở Suối Cát, huyện Cam Lâm) đã dùng cả... dầu nhớt - thứ dùng cho máy móc công nghiệp - để làm bóng hạt dưa, thu tại cơ sở này hơn 60 lít dầu nhớt trong khi chủ kinh doanh khai nhận mỗi ngày tiêu thụ 300-400kg hạt dưa mang đi các địa phương. Rồi gần đây nhất, ngày 17-1, trong lần tuần tra, kiểm soát giao thông, CSGT trạm Đỗ Xá (Hà Nội) đã "vô tình" phát hiện một xe tải chứa hàng chục bao dứa và thùng xốp đựng bì lợn, mỡ lợn đã... bốc mùi thối. Chủ hàng khai nhận đi thu gom mỡ và bì ở Hà Nam, Ninh Bình mang về Hưng Yên để gia công làm nem và các món ăn khác bán ra thị trường.

Phải nói thẳng rằng, việc phát hiện các cơ sở sản xuất kinh doanh dùng phẩm màu công nghiệp độc hại để nhuộm mứt, hạt dưa không phải là chuyện mới mà hầu như năm nào, tết nào cũng xảy ra. Duy chỉ có vụ bì lợn và mỡ lợn... thối, hình như mới xuất hiện từ nửa cuối năm vừa rồi. Lại nghe phong thanh, vì không có kho chứa tang vật, nhất lại là thứ vật phẩm đã bốc mùi trên, nên cơ quan chức năng quyết định xử lý số tang vật "vi phạm VSATTP" bằng cách... tiêu hủy ngay. Nghĩ cũng là cách tốt để tránh lây truyền dịch bệnh.

Sự tác hại khôn lường tới sức khỏe và cả tính mạng con người của việc dùng dầu nhớt và phẩm màu công nghiệp để "làm đẹp" các mặt hàng thực phẩm đã quá rõ. Còn bì và mỡ lợn thối vẫn được dùng để chế biến hàng ăn gây tác hại đến đâu? Ở những mặt hàng nào? Vẫn đang là câu hỏi mà dư luận người tiêu dùng mong được cơ quan chức năng giải đáp. Và đó là một đòi hỏi chính đáng, nghiêm túc đối với ngành y tế - cơ quan thường trực bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Vẫn biết rằng chúng ta nghèo thiết bị xét nghiệm và thiếu lực lượng cán bộ chuyên môn sâu, song trước sự ngang nhiên xâm hại sức khỏe và tính mạng của nhiều người dân, thiết nghĩ không thể lấy đó làm lý do trì hoãn đưa ra những cảnh báo kịp thời cho công luận. Phát hiện thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn là việc đáng hoan nghênh. Tiêu hủy ngay cũng là cần thiết. Song tiêu hủy không có nghĩa là đã hết.

Oanh Anh