Giải pháp hòa bình cho Áaganixtan: Chưa có lối thoát

Thế giới - Ngày đăng : 06:16, 23/01/2010

(HNM) - Chưa đầy một tuần nữa (ngày 28-1) sẽ diễn ra hội nghị quốc tế về Ápganixtan tại Luân Đôn (Anh), nhưng tại quốc gia Nam Á này, các vụ tấn công, đánh bom khủng bố của tàn quân Taliban vẫn liên tục diễn ra.

Vụ tấn công đồng loạt vào các cơ quan đầu não của Ápganixtan trong tuần cho thấy mức độ tàn khốc mà tàn quân Taliban gây ra. Theo đó, vào đúng giờ cao điểm, hàng chục tay súng Taliban đã mở nhiều cuộc tấn công nhằm vào trụ sở các cơ quan chính phủ ở thủ đô Cabun. Một nhân vật xưng là người phát ngôn của Taliban, D.Mugiahin tuyên bố, mục tiêu của các vụ tấn công là dinh Tổng thống, trụ sở các bộ sức mạnh, như Tài chính, Tư pháp, Khai khoáng và Ngân hàng trung ương. Ít nhất 5 người đã thiệt mạng và hơn 70 người bị thương, trong đó có 35 dân thường.

Cảnh sát Ápganixtan phong tỏa hiện trường ở thủ đô Cabun sau khi lực lượng Taliban tấn công vào khu vực này.


Rõ ràng, bất ổn tại Ápganixtan thực sự là thách thức lớn đối với quân đội chính phủ cũng như các lực lượng quốc tế đang triển khai tại quốc gia Nam Á này. Trước đó, ngày 17-1, Taliban đã bắt cóc 2 kỹ sư Trung Quốc và 4 người Ápganixtan tại tỉnh Phariáp, miền Bắc Ápganixtan. Phát ngôn viên của Taliban còn tuyên bố, tòa án Hồi giáo của Taliban sẽ quyết định số phận của những con tin này. Đến nay, hàng chục người nước ngoài, trong đó có nhiều nhà báo, kỹ sư đã bị bắt cóc tại Ápganixtan kể từ khi Mỹ phát động cuộc chiến lật đổ chế độ Taliban năm 2001. Các vụ tấn công, bắt cóc ngày một dày thêm, đặc biệt trong tháng qua khi Mỹ và NATO thực hiện chiến lược bình ổn mới tại Ápganixtan với việc điều động thêm 37.000 binh sĩ tới chiến trường này nhằm làm suy yếu lực lượng chống đối cực đoan qua các hành động chính trị và trợ giúp kinh tế.

Có thể thấy, lối thoát cho các cường quốc phương Tây tại Ápganixtan thật không dễ dàng. Trong một động thái mới, ngày 21-1, Ngoại trưởng Mỹ Hilari Clintơn đã công bố một chiến lược dân sự lâu dài nhằm bình ổn Ápganixtan và quốc gia láng giềng Pakixtan, kêu gọi gửi thêm các chuyên gia dân sự Mỹ tới khu vực này. Chiến lược đã phác thảo các kế hoạch nhằm tái thiết khu vực nông nghiệp, tăng cường năng lực điều hành đất nước của ban lãnh đạo Ápganixtan. Ngoại trưởng H.Clintơn cam kết xây dựng các mối quan hệ đối tác lâu dài với hai quốc gia này và tỏ ý tin tưởng chiến lược này sẽ mang lại triển vọng tốt cho khu vực Nam Á.

Cùng với chiến lược mới về quân sự, chiến lược dân sự mà Ngoại trưởng Mỹ vừa công bố có thể sẽ tác động tích cực đến đời sống người dân Ápganixtan. Tuy nhiên, để triển khai được chiến lược phi quân sự tốn kém này lại không hề đơn giản. Trước hết, nó cần được Quốc hội Mỹ phê chuẩn và khi thực thi sẽ gặp không ít trở ngại. Trở ngại đầu tiên và cũng lớn nhất là tệ tham nhũng đang lan rộng tới mức kinh ngạc ở quốc gia này. Theo một điều tra của Liên hợp quốc vừa được công bố ngày 21-1, vấn nạn tham nhũng hiện đang diễn ra ở khoảng 85% bộ máy chính quyền các cấp ở Ápganixtan. Thêm vào đó, từ khi đắc cử nhiệm kỳ 2 tổng thống (ngày 2-11-2009) đến nay, Tổng thống Hamít Cadai vẫn chưa thành lập được nội các do mâu thuẫn nội bộ. Trong khi đó, báo cáo đánh giá hoạt động tình báo của Mỹ tại Ápganixtan, mới công bố, chỉ ra rằng, suốt 8 năm qua, tình báo Mỹ chỉ có vai trò thứ yếu trong cục diện chiến lược chung tại Ápganixtan…

Do đó, trước thềm hội nghị quốc tế về Ápganixtan tại Luân Đôn, Mỹ và các cường quốc phương Tây còn quá nhiều việc phải làm. Ngoài một nội các chưa thể thành lập, tham nhũng và sự trỗi dậy của tàn quân Taliban đang là những thách thức hiện hữu với không chỉ hai gọng kìm chiến lược mới của Mỹ mà còn với tất cả những quốc gia "chung chiến hào" với Oasinhtơn trong cuộc chiến Ápganixtan.

Trung Hiếu