Nho học Việt Nam dưới góc nhìn các đơn vị quản lý di tích

Xã hội - Ngày đăng : 23:37, 22/01/2010

(HNMO)- Ngày 22/1, tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã diễn ra cuộc hội thảo “Các đơn vị quản lý di tích Nho học ở Việt nam”. Cuộc hội thảo do Trung tâm hoạt động văn hoá khoa học Văn Miếu- Quốc Tử Giám Hà Nội tổ chức.Tham dự có đông đảo các nhà quản khoa học, quản lý di tích của cả nước đã tới dự.

(HNMO)- Ngày 22/1, tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã diễn ra cuộc hội thảo “Các đơn vị quản lý di tích Nho học ở Việt nam”. Cuộc hội thảo do Trung tâm hoạt động văn hoá khoa học Văn Miếu- Quốc Tử Giám Hà Nội tổ chức.Tham dự có đông đảo các nhà quản khoa học, quản lý di tích của cả nước đã tới dự.

Hội thảo đã nhận được 50 tham luận khoa học của các đại biểu với nhiều điểm mới.PGS. TS Nguyễn Minh Tường, Viện Sử học Việt Nam cho rằng: Di tích Nho học ở Việt Nam là biểu tượng của nền văn hiến Việt Nam mà Văn Miếu- Quốc Tử Giám ở Hà Nội là ví dụ. Nó là nơi tôn vinh đạo học và là một hình thức khuyến học, duy trì thuần phòng, mỹ tục của Việt Nam; đồng thời là nơi bảo tồn, lưu giữ các hiện vật văn hoá quý báu của cha ông. Cùng quan điểm trên, TS. Đặng Kim Ngọc, Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hoá, khoa học Văn Miếu- Quốc tử Giám phân tích rõ hơn: Văn Miếu- Quốc Tử Giám được coi như chứng tích tiêu biểu nhất về sự tồn tại của Nho giáo trên đất nước Việt Nam. Văn Miếu ở Thăng Long không chỉ thờ Khổng tử và Tứ phối mà còn thờ Nho thần Chu Văn An và các vị tiến sĩ triều Lê - Mạc. Bia đá các khoa thi tiến sĩ ngoài danh sách tên những người đỗ còn có thêm những bài ký trên bia bằng chữ Nho với nội dung phong phú, đặc sắc mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam.

Từ góc nhìn di sản văn hoá, PGS.TS. Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản Văn hoá nhấn mạnh: Di tích Nho học Việt Nam có giá trị vô cùng to lớn trong đời sống hiện đại, do đó cần huy động tổng hợp các nguồn lực tài chính để bảo tồn và phát huy gái trị của di tích. Theo ông, một mặt các ngành chức năng cần triển khai nghiên cứu, kiểm kê “vốn liếng” của hệ thống di tích Nho học Việt Nam hiện nay, mặt khác cần xây dựng dịch vụ lưu niệm tại các khu di tích Nho học nhằm phát huy tốt hơn nữa giá trị của di tích. Còn PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hoá cho hay: bảo tồn và phát huy giá trị di tích Nho học ở nước ta hiện nay có nhiều thời cơ nhưng cũng không ít thách thức, bởi thế ông cho rằng cách tốt nhất để phát huy gái trị di tích là phải khắc phục sự manh mún, tăng cường sự liên kết giữa các ngành…

Như vậy, mặc dù đề cập đến nhiều mảng vấn đề khác nhau, nhưng các nhà khoa học đã thống nhất khẳng định di tích Nho học là biểu tượng của nền văn hiến Việt Nam thông qua hệ thống Văn miếu, Văn chỉ, Văn từ các tỉnh, thành phố và việc nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di tích Nho học là một nét đẹp văn hoá cần phải được triển khai sông rộng trong thời đại ngày nay.

T.Minh