Nguy cơ sóng thần dữ dội ở Thái Bình Dương
Thế giới - Ngày đăng : 10:14, 20/01/2010
Giáo sư John McCloskey đến từ Đại học Ulster, Bắc Ireland, cho rằng trận động đất xảy ra vào tháng 9/2009 tại Padang không phải là trận động đất lớn mà các nhà khoa học đã dự đoán. Thay vì làm giảm bớt áp lực giữa các địa tầng, trận động đất này thậm chí còn làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn và có thể gây ra một trận sóng thần khác tại khu vực này trong vòng 10 năm tới.
Theo Giáo sư McCloskey, số lượng người bị ảnh hưởng bởi trận sóng thần lớn có thể xảy ra trong thời gian tới sẽ nhiều hơn so với số nạn nhân trong thảm họa động đất và sóng thần ở Ấn Độ Dương vào cuối năm 2004, trong đó Indonesia có số nạn nhân lớn nhất.
Ông McCloskey nói: "Chúng tôi thực sự lo ngại về một trận động đất khác có cường độ 8,5 độ Richter hoặc thậm chí lớn hơn tại khu vực Tây Sumatra, và một trận động đất như vậy sẽ tạo ra sóng thần. Mặc dù trận sóng thần tới có thể nhỏ hơn đáng kể so với trận sóng thần vào năm 2004, nhưng nó có thể có tác động tương tự hoặc thậm chí là lớn hơn, xét về góc độ con số nạn nhân thiệt mạng".
Chuyên gia về sóng thần của Australia, Giáo sư James Goff thuộc Đại học New South Wales cho biết phần lớn các nhà khoa học đồng ý với nhận định trên. Ông nói: "Trận sóng thần tới tiềm ẩn nguy cơ làm thiệt mạng rất nhiều người. Hiển nhiên là nếu bạn phải hứng chịu một trận động đất lớn và tiếp sau đó là một trận sóng thần có sức tàn phá tương đối lớn, thì các ngôi nhà đã bị hư hại về mặt kết cấu hoặc đã bị phá hủy một phần sẽ bị hủy diệt hơn nữa".
Các chuyên gia Australia và nước ngoài đang thúc giục chính phủ các nước đảm bảo rằng những sự trì hoãn trong việc phân hối hàng cứu trợ đến Haiti sau trận động đất vừa qua không bị tái diễn trong trường hợp xảy ra một thảm họa thiên tai với quy mô lớn khác.
Giáo sư McCloskey cho rằng có thể dự báo về địa điểm và mức độ tàn phá của trận động đất kế tiếp và thế giới nên chuẩn bị tốt hơn. Các nước nên thành lập các nhóm bác sĩ và các kho dự trữ hàng cứu trợ, sẵn sàng triển khai đến bất cứ nơi nào trên thế giới trong vòng 12 tiếng kể từ khi xảy ra thảm họa. Ông nói: "Có rất nhiều bác sĩ, y tá sẵn sàng tình nguyện tham gia các công việc như vậy và chúng ta cần phải tổ chức họ. Haiti là một ví dụ khủng khiếp".
Mặc dầu vậy, giáo sư Goff cho rằng đó chỉ là ý tưởng và luôn có rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận khu vực cần được hỗ trợ, chẳng hạn như các tuyến đường bị ách tắc, sân bay bị phá hủy và không có máy bay lên thẳng để đưa đồ cứu trợ vào nơi xảy ra thảm họa. Thế giới cần thành lập các đội cứu trợ tình nguyện, luôn túc trực và sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.
Nghiên cứu trên được đăng trên tạp chí khoa học Nature Geoscience.