Cần sớm tháo gỡ vướng mắc đất đai ở khu Bãi Chè

Đời sống - Ngày đăng : 07:19, 20/01/2010

(HNM) - Để xử lý những tồn tại, vi phạm về đất đai, UBND thị xã Sơn Tây đã quyết định thu hồi hơn 56.000m2 đất nông nghiệp tại khu Bãi Chè, thuộc thôn Đồng Trạng, xã Cổ Đông chuyển thành đất thổ cư, tạo quỹ đất ở cho nhân dân và phục vụ cho công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) khu đô thị Thiên Mã. Người dân hào hứng nộp tiền, vững tâm chờ, nhưng càng chờ càng vô vọng…

Từ việc quản lý lỏng lẻo

Năm 1991, theo chủ trương của thành phố Hà Nội, UBND xã Cổ Đông đã quy hoạch khu đất Bãi Chè thành vùng trồng chè và giao cho HTX nông nghiệp Đồng Trạng quản lý. Năm 1992, Ban quản lý HTX nông nghiệp Đồng Trạng chia khu đất Bãi Chè thành 92 lô và giao cho 84 hộ xã viên trồng chè. Hợp đồng giao đất giữa Ban quản lý HTX nông nghiệp Đồng Trạng với từng hộ xã viên được lập ngày 7-3-1992, với thời hạn từ 25 - 30 năm, tính theo chu kỳ vòng đời của cây chè. Song, do đất xấu, trồng chè không có hiệu quả, nên gần một năm sau, nhiều hộ đã tự ý chuyển sang trồng các loại cây khác như: nhãn, vải, sắn...

Với lý do khu đất Bãi Chè nằm sát trục đường 21A, xa khu dân cư, nhiều hộ xã viên đã dựng nhà tạm để ở và trông nom cây cối. Ngay từ năm 1994, do công tác quản lý, sử dụng đất đai tại khu vực Bãi Chè của chính quyền địa phương bị buông lỏng, nhiều hộ sử dụng đất giao khoán không đúng mục đích, vi phạm hợp đồng, xây dựng nhà kiên cố trái phép, chuyển nhượng trao tay nhau một cách tùy tiện. Mặc dù, suốt từ năm 2001 đến năm 2003, các cơ quan, ban, ngành của thị xã Sơn Tây, UBND xã Cổ Đông đã phát hiện, kiểm tra và xử lý một số vi phạm về đất đai tại khu vực Bãi Chè, nhưng giải quyết không dứt điểm, không cương quyết dẫn đến tình trạng vi phạm ngày càng tăng. Tính đến năm 2004, tại khu vực Bãi Chè đã có 58 trường hợp chuyển nhượng đất trái quy định của pháp luật, với diện tích gần 26.000m2, 149 hộ xây dựng nhà trái phép... (ảnh).

Đến quyết định giải quyết vi phạm

Trước tình trạng trên, ngày 25-5-2004, UBND thị xã Sơn Tây đã ban hành Quyết định số 525 (QĐ) thu hồi 56.406m2 đất nông nghiệp khu vực Bãi Chè, thuộc thôn Đồng Trạng, xã Cổ Đông. Theo QĐ 525, có 23.846,5m2 đất ở khu vực Bãi Chè được quy hoạch là tuyến I, giao cho 119 hộ; 17.600m2 quy hoạch tuyến II, giải quyết đất ở cho nhân dân xã Cổ Đông, đồng thời phục vụ cho GPMB khu đô thị Thiên Mã và 14.959,5m2 còn lại để xây dựng đường giao thông nội bộ, các công trình hạ tầng kỹ thuật. Trong số 119 hộ được quy hoạch giao đất ở tuyến I, thì có 90 hộ dân đã làm nhà ở được xử lý vi phạm, không phải di chuyển mà tái định cư tại chỗ, sau đó sẽ hợp thức đất ở để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ).

Thực hiện QĐ 525, UBND thị xã Sơn Tây đã thành lập Hội đồng đền bù GPMB để xây dựng khu dân cư khu vực Bãi Chè, thông báo thu tiền sử dụng đất. Theo đó, có 90 hộ dân ở khu vực Bãi Chè thuộc đối tượng được xử lý "hợp thức đất ở" phải nộp các khoản tiền chuyển quyền sử dụng đất, thuế, lệ phí trước bạ, với tổng số tiền lên đến hơn 12 tỷ đồng.

Và nhiều hộ dân "đỏ mắt" chờ đất ở

Việc xử lý vi phạm, hợp thức cho những hộ dân đã có nhà, đất sản xuất từ nhiều năm trước tại khu Bãi Chè là hợp tình, hợp lý, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, cách làm của UBND thị xã Sơn Tây khá tùy tiện, chưa đúng quy định. Không ít thủ tục trong triển khai dự án đã bị bỏ qua, chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt… Quyết định cho dân được tái định cư tại chỗ, nhưng lại không GPMB triệt để, mạnh ai nấy làm, dẫn đến tình trạng đất đai bị xé lẻ manh mún. Nhiều lô đất chỉ thể hiện trên giấy, còn trong thực tế không thể giao cho dân được, vì vướng nhà, đất của hộ khác; có hộ phải di chuyển nhà để làm đường, nhưng chính quyền không còn đất để giao. Hơn 5 năm trôi qua, mới chỉ có hơn 30 hộ ở khu Bãi Chè được cấp GCNQSDĐ. Hàng chục hộ có đất bị thu hồi GPMB để làm đường theo quy hoạch, đã giao đất, nộp đủ tiền, nhưng đến giờ vẫn chỉ được "nhìn" lô đất của mình... trên giấy. Hoàn cảnh gia đình ông Vũ Ngọc Vĩnh, cán bộ Trường Sĩ quan Lục quân I rất khó khăn. Năm 2002, gia đình ông Vĩnh nhận chuyển nhượng một suất đất ở khu Bãi Chè. Khi có chủ trương hợp thức hóa khu đất Bãi Chè, gia đình ông Vĩnh đã vay mượn, nộp đủ 121 triệu đồng để được nhận một lô đất có diện tích 181m2. Ông Vĩnh bức xúc: "Hiện tại, cuộc sống của gia đình tôi vô cùng khổ sở vì nợ nần và vẫn phải thuê nhà để ở". Suốt từ năm 2004 đến nay, nhiều lần gia đình ông Nguyễn Văn Phúc bị ngân hàng siết nợ và điêu đứng vì đáo hạn ngân hàng cũng chỉ vì khoản tiền gần 133 triệu đồng nộp cho địa phương để được nhận một lô đất rộng 198m2.

Trao đổi với phóng viên báo Hànộimới, ông Phùng Tuấn Dũng, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường cho biết: Trong năm 2009, thị xã Sơn Tây đã 2 lần thành lập tổ công tác, do ông Hà Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND thị xã làm tổ trưởng, có nhiệm vụ xác định những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc tại khu Bãi Chè, từ đó đề xuất giải pháp tháo gỡ, xử lý. Thế nhưng, mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ, chưa hề có chuyển biến gì. Không biết hàng chục hộ dân ở xã Cổ Đông phải chờ đợi đến bao giờ để được đất, xây nhà ở tại khu vực Bãi Chè?

Bài, ảnh: Nguyên Linh