Người sưu tập hơn 700 nghìn tư liệu về Hà Nội

Xã hội - Ngày đăng : 07:14, 20/01/2010

(HNM) - Không phải người Hà Nội, thậm chí cho đến trước ngày miền Nam giải phóng chưa một lần đặt chân đến Hà Nội, vậy mà từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước ông đã mê mẩn, tìm kiếm sưu tập những bức ảnh về Hà Nội xưa. Giờ đây ông đã sở hữu trên 700 nghìn tư liệu, hình ảnh về Hà Nội và vừa cho ra mắt 2 tập ảnh Hà Nội xưa nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội...

"Cũng nhờ có công phát hiện ra cuốn sách này nên Hãng phim An Pha Sài Gòn đã chụp lại tặng cho tôi toàn bộ vi phim nội dung cuốn sách. Nhưng ngặt nỗi, cuốn sách toàn chữ Hán Nôm mà mình thì mù tịt loại chữ này. Dù có nhiều bức ảnh rất ấn tượng nhưng không sao hiểu hết nội dung. Vì thế phải nhờ một người bạn học cùng trường Văn Khoa dịch giùm. Từ đây hình ảnh về Hà Nội đã hiện lên trong tôi như một điều gì đó thiêng liêng, nên quyết tâm tìm kiếm, sưu tầm những hình ảnh về Hà Nội xưa như một lời tri ân, hoài cổ về tổ tiên, cội nguồn dân tộc" - Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng bộc bạch với chúng tôi như thế về cuốn sách mang tên: Techmique du people Annamite (Kỹ thuật của người An Nam) do ông phát hiện vào năm 1962 dưới gầm thư viện Khảo Cổ (nay là thư viện khoa học xã hội TP Hồ Chí Minh). Đây là cuốn sách dày khoảng 700 trang với 4.577 bức ảnh khắc gỗ phân thành nhiều đề tài thú vị như: trò chơi trẻ con, tranh dân gian, đời sống tâm linh, gánh hàng rong Hà Nội… được viết, chú thích bằng chữ Hán Nôm. Đối với ông, có lẽ Hà Nội xưa ấn tượng nhất chính là những hình ảnh đời thường, từ cảnh mò cua, bắt ốc đến anh nông dân cày ruộng, người thợ mộc đang say sưa bên khúc gỗ… đặc biệt, là sự mâu thuẫn giàu nghèo ở buổi giao thời giai đoạn 1908 - 1909 của cư dân Đồng bằng Bắc bộ nói chung và Hà Nội nói riêng.

Thầy Hùng bên những trang sách ảnh.


Hơn 10 nghìn bức ảnh mà ông sưu tầm về Hà Nội xưa - Hà Nội của những năm cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX là một sợi dây liên hệ giữa quá khứ và hiện tại. Những bức hình đó thể hiện sự đổi thay nhanh chóng diễn ra ở một kinh đô văn hiến, đang bước vào thời thuộc địa để trở thành một thành phố hiện đại. Bên cạnh những kiểu kiến trúc mới du nhập từ phương Tây, Hà Nội vẫn cố níu kéo lại quá khứ bằng những khu phố cổ, những chùa chiền miếu mạo để duy trì cuộc sống tâm linh truyền thống. Chẳng hạn bức ảnh "Đem con bỏ chợ" hay "Chữa trâu cắt thừng" thể hiện một tập tục hồn nhiên của con người nơi đây vào những năm đầu thế kỷ XX. Đó là khi con người gặp nghịch cảnh, họ thường mơ đến thần linh và hy vọng thần linh sẽ giúp họ vượt qua được nghịch cảnh. Hay những bức ảnh về mồ mả, không chỉ gợi nhớ về cội nguồn dân tộc mà còn gợi lên trong ông hình ảnh người cha nghèo mất sớm khi ông còn chưa biết mặt. Một hình ảnh rất đỗi thiêng liêng về người cha nghèo lặn lội từ Hà Nam vào Sài Gòn lập nghiệp, rồi tham gia kháng chiến và hy sinh ở chiến trường D (Bình Phước) khi ông mới hơn 2 tuổi.

Và thay đổi sự lựa chọn

Những ấn tượng ấy, không chỉ thôi thúc ông tiếp tục tìm kiếm, sưu tầm hình ảnh về Hà Nội xưa trong các thư viện, ngoài chợ trời hay bạn bè thân quen… mà còn đưa đến một quyết định bước ngoặt trong cuộc đời. Đó là từ một người tốt nghiệp cử nhân tiếng Pháp ở Trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn, ông quyết định chuyển sang học cử nhân lịch sử, rồi lấy bằng tiến sĩ sử học. Ông cho biết, những nét văn hóa, phong tục tập quán của người Hà Nội xưa trong cuốn sách "Kỹ thuật của người An Nam" rất ấn tượng, nó đã quyến rũ ông thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học: "Xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX thông qua bộ sách “Kỹ thuật của người An Nam” vào năm 1984 và được Hội đồng khoa học của Trường Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh đánh giá cao. Ngay sau đó, ông được các giáo sư sử học ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội khuyến khích phát triển đề tài khoa học này để làm luận án tiến sĩ sử học.

Giờ đây, khi Hà Nội đang bước vào 1000 năm tuổi, nhìn lại Hà Nội của một thế kỷ trước qua bộ sưu tập ảnh Hà Nội xưa của ông để cảm nhận được những trò chơi dân gian, những ông thầy đồ với nét bút chữ Hán điêu luyện hay những người Hà Nội thanh lịch, dịu dàng… Đó là một Hà Nội đan xen giữa truyền thống và hiện đại, giữa nếp sống đạo lý cổ truyền với những biến động xã hội thời thuộc địa.

Hồ Văn