Sẽ quyết liệt, minh bạch hơn
Kinh tế - Ngày đăng : 07:11, 20/01/2010
Sau năm 2010, chỉ giữ lại 700-800 doanh nghiệp nhà nước
* Sẽ có những tập đoàn nhà nước giữ 100% vốn thực hiện cổ phần hóa
(HNM) - Năm 2009, cả nước đã thực hiện sắp xếp 105 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa (CPH) 60 doanh nghiệp, bộ phận DN, đạt 8,4% kế hoạch giai đoạn 2009-2010.
Nhiều lợi ích thiết thực
Dây chuyền sản xuất tại Công ty cổ phần Dệt 10-10. Ảnh: Nguyệt Ánh
Thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng và Nhà nước về CPH DNNN, tính đến hết năm 2009, cả nước đã sắp xếp được 5.661 DN và 8 tổng công ty nhà nước. Trong đó, CPH 3.854 DN và bộ phận DN; giao 196 DN; bán 155 DN; khoán và cho thuê 30 DN; sáp nhập, hợp nhất 531 DN… Trong số DN và bộ phận DN đã thực hiện CPH, có 58% là DN địa phương; 32% DN trực thuộc bộ; 10% là DN thuộc các tập đoàn, tổng công ty 91 và có 10 tổng công ty nhà nước.
Quá trình CPH đã được thử nghiệm từ những năm 1990-1991 và trải qua các giai đoạn: thí điểm, mở rộng thí điểm, đẩy mạnh CPH và tiến tới thực hiện trên diện rộng. Từ năm 2006 đến nay, tiến trình CPH đã đi đến giai đoạn cơ bản. Theo phương án tổng thể về CPH DN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giai đoạn 2007-2010, cần sắp xếp 1.553 DNNN, trong đó có 950 DN sẽ thực hiện CPH. Mục tiêu của Chính phủ đặt ra là chỉ giữ lại 700 đến 800 DNNN sau năm 2010. Điểm khác biệt của giai đoạn này là số DN lớn, có vốn từ 100 tỷ đồng được CPH sẽ là đối tượng chính thực hiện CPH.
Theo đánh giá của nhóm tư vấn chính sách (Bộ Tài chính), sau khi thực hiện CPH tại 3.854 DN và bộ phận DN, tổng giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại DN là 95 nghìn tỷ đồng. Nhà nước nắm giữ khoảng 57% vốn điều lệ, người lao động nắm giữ 14% và các nhà đầu tư khác nắm 23%. Qua sắp xếp, những DNNN thua lỗ và số DN không thuộc lĩnh vực Nhà nước cần nắm giữ đã giảm từ 5.655 DN (năm 2001) xuống 1.546. Nhà nước đã chi 7.841 tỷ đồng hỗ trợ 241.000 lao động dôi dư sau CPH. Sau khi chuyển đổi mô hình quản lý, tình hình tài chính của các DN sau CPH đã lành mạnh hơn, nợ xấu giảm; các khoản nợ phải trả được hỗ trợ xử lý thông qua việc xóa nợ ngân sách và xóa nợ lãi vay ngân hàng.
Kết quả khảo sát 367 DN đã CPH do Công ty Tư vấn kế toán và kiểm toán Thủ đô thực hiện cho thấy, bình quân 2 năm sau khi thực hiện CPH, tài sản và quy mô của DN tăng hơn 66%; vốn chủ sở hữu nhà nước tăng hơn 90%; doanh thu tăng 75%; lợi nhuận tăng 233%; tỷ lệ nộp ngân sách tăng 95%. Những kết quả này cho thấy, chủ trương CPH DN đã nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN.
Sớm hoàn thiện chính sách CPH
Mặc dù tiến trình CPH đã thu được những kết quả khả quan song tiến độ thực hiện CPH luôn chậm hơn so với kế hoạch. Nhận xét về vấn đề này, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng, Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, quá trình CPH diễn ra chậm do nhiều nguyên nhân. Năm 2009 nền kinh tế chịu tác động tiêu cực do suy giảm kinh tế toàn cầu, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều không hào hứng với việc mở rộng đầu tư. Quá trình CPH cần được đẩy nhanh, nhưng không có nghĩa là phải bằng mọi giá nên đã và đang được thực hiện thận trọng, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, DN và người lao động.
Ngoài khó khăn về tiến độ, nhiều cuộc bán đấu giá cổ phần DN đã không thu được nguồn vốn cao như dự tính. Nhiều DN muốn CPH nhưng lại không tìm được nhà đầu tư chiến lược do thiếu cơ chế ưu đãi phù hợp. Khi thực hiện CPH các DN có quy mô lớn hơn đã xảy ra nhiều vướng mắc phát sinh mang tính kỹ thuật như xác định giá trị thương hiệu, giá trị quyền sử dụng đất, vị trí địa lý, định giá DN, vấn đề bảo đảm minh bạch thông tin…
Để giải quyết vướng mắc, nhóm tư vấn chính sách (Bộ Tài chính) đã nêu một số quan điểm nhằm hoàn thiện chính sách CPH. Theo đó, khi thực hiện CPH các DN có quy mô lớn, cần tiến hành thận trọng, tránh gây bất ổn cho nền kinh tế và xáo trộn xã hội và lấy hiệu quả lâu dài của DN làm mục tiêu chính. Các chuyên gia cũng khuyến nghị nên sử dụng giá thị trường khi xác định giá trị DN nhằm hạn chế tình trạng thất thoát tài sản nhà nước. Vấn đề bảo đảm chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư chiến lược, người lao động khi thực hiện đấu giá cổ phần cũng cần được sửa đổi để phù hợp hơn với thực tế… CPH trở thành biện pháp sắp xếp lại, làm thay đổi về chất khu vực doanh nghiệp nhà nước nhờ vào việc tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp.
Mặc dù còn nhiều vướng mắc song kết quả thực hiện CPH từ năm 1990 đến nay đã khẳng định, đây là hướng đi đúng đắn để nâng cao hiệu quả kinh doanh của khối DNNN. Đại diện Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) cho biết, thời gian tới, Chính phủ chỉ giữ lại một số tổng công ty lớn, thuộc những lĩnh vực nhạy cảm, đồng thời vẫn hình thành những tập đoàn đa sở hữu. Sau lĩnh vực xăng dầu, sẽ có những tập đoàn nhà nước đang nắm giữ 100% vốn thực hiện CPH, trừ những lĩnh vực đặc biệt, cần có sự quản lý của Nhà nước.
Bộ Tài chính đang xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 109/2007/NĐ-CP về việc chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, dự kiến sẽ được trình Chính phủ trong nửa đầu năm 2010. Nghị định mới sẽ giải quyết những vướng mắc nêu trên, giúp đẩy nhanh tiến trình CPH.