Nhân rộng mô hình khu dân cư bảo vệ môi trường

Đời sống - Ngày đăng : 07:08, 20/01/2010

(HNM) - Sau hơn 3 năm (2006-2009), UBTƯ MTTQ Việt Nam thí điểm 3 mô hình: lồng ghép nhiệm vụ bảo vệ môi trường (BVMT) trong cuộc vận động


Đề cao ý thức tự giác

Phụ nữ tổ dân phố số 10, phường Việt Hưng (Long Biên) tham gia tổng vệ sinh sáng thứ bảy hằng tuần. Ảnh: Linh Tâm


''Đây là cái được lớn nhất từ mô hình KDC tự quản BVMT'' - Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ nhiệm chương trình Toàn dân tham gia BVMT Lê Bá Trình khẳng định. Theo đó, tại 20 KDC làm điểm ở 10 tỉnh, TP, người dân ý thức hơn về trách nhiệm của bản thân, gia đình đối với công tác BVMT. Còn cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là đội ngũ cán bộ Mặt trận cơ sở, đã chỉ đạo sát sao, vận động nhân dân tổ chức thực hiện hiệu quả các quy định BVMT. Những ngày "Chủ nhật xanh", những thứ bảy cùng nhau tổng vệ sinh, giữ gìn cảnh quan KDC đã giúp môi trường được cải thiện đáng kể.

Tại TP Hà Nội, tổ dân phố số 10, phường Việt Hưng (Long Biên) và thôn Yên Phú, xã Liên Ninh (Thanh Trì) sau khi được UB MTTQ TP chọn làm điểm triển khai mô hình KDC tự quản về môi trường đều có chuyển biến đáng kể. Bí thư chi bộ 4, thôn Yên Phú Nguyễn Thị Hoan cho biết, người dân trong thôn thay vì đổ rác thải một cách "vô tư" ra mọi chỗ, mọi nơi nay đã chứa rác trong vật dụng bảo đảm vệ sinh, để đúng nơi quy định, không xả nước thải, khí thải bừa bãi... Người dân tự nguyện đóng góp 2.000 đồng/người/tháng duy trì hoạt động BVMT. Tổ dân phố số 10, phường Vĩnh Hưng đã không còn tình trạng nuôi chó thả rông; bà con còn tương trợ nhau mua thùng đựng rác giúp đỡ các gia đình nghèo, cùng nhau tổng vệ sinh vào thứ bảy hằng tuần. Cả hai KDC này không còn chân rác, điểm đen về rác, cảnh quan KDC sạch, đẹp.

BVMT gắn với giảm nghèo

Mô hình này cũng được UBTƯ MTTQ Việt Nam làm điểm tại 20 KDC khác ở 10 tỉnh (Điện Biên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Đắc Nông, Ninh Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Vĩnh Long và Sóc Trăng) từ tháng 1-2008. Sau 2 năm, các mô hình điểm ở các KDC đã xác định được nội dung, phương thức phát triển kinh tế gắn với BVMT và hệ sinh thái ở cộng đồng. Các KDC này đã tổ chức trồng cây xanh, tăng cường độ che phủ rừng, tạo môi trường xanh kết hợp nâng cấp hệ thống cống rãnh thoát nước, xây dựng hệ thống cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh, tổ chức thu gom rác thải, giúp đỡ nhau xóa đói, giảm nghèo. Điển hình là KDC thôn Đạo Đầu, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong (Quảng Trị). Trước đây, người dân chủ yếu làm nông nghiệp do thiếu hiểu biết nên thường xuyên sử dụng, vứt bừa bãi vật dụng chứa thuốc trừ sâu; một số hộ đánh bắt thủy sản bằng máy xung điện… gây mất cân bằng sinh thái; việc chăn nuôi còn manh mún, không có nơi xử lý chất thải, môi trường bị ô nhiễm, số hộ nghèo không giảm. Sau hơn 1 năm thực hiện mô hình, thôn đã xây dựng được một bãi chứa rác 250m2, cách KDC 2km; 100% số hộ dùng nước giếng khoan, trồng rau sạch và tham gia xây dựng Quỹ Vì người nghèo. Nguồn quỹ này cùng sự hỗ trợ của Nhà nước đã giúp thôn xây dựng 4 nhà đại đoàn kết. Ngoài ra, "nhóm tương hỗ" của thôn đã giúp vốn cho 2 gia đình mua 4 con bò phát triển kinh tế gia đình, vươn lên. Thôn còn xây dựng được "hũ gạo tình thương" giúp đỡ các gia đình nghèo lúc ốm đau, hoạn nạn. Bà con nông dân được cơ quan chức năng tập huấn kỹ thuật sản xuất, trồng rau sạch cho thu nhập cao. Nhiều hộ thu nhập bình quân 60-90 triệu đồng/năm. Đồng ruộng không còn những vật dụng gây ô nhiễm môi trường.

19 KDC khác cũng tạo được những chuyển biến theo hướng tích cực. Tuy vậy, theo ông Lê Bá Trình, đây chỉ là những kết quả bước đầu. Để giải quyết tận gốc vấn đề môi trường ô nhiễm cần sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động trong các tầng lớp nhân dân và sự chung sức của cộng đồng. Căn cứ vào kết quả làm điểm ở các KDC, UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ điều chỉnh, bổ sung những nội dung, tiêu chí cụ thể cho phù hợp với từng địa phương để nhân rộng các mô hình trên phạm vi toàn quốc, mang lại hiệu quả thiết thực.

Lê Hương