“Văn trong hồi ký và hồi ký một nhà văn”
Văn hóa - Ngày đăng : 07:13, 19/01/2010
Hơn 500 trang hành trình một đời văn ấy được mở đầu bằng buổi lễ Vu Lan, sống động từ "ngọn bạch lạp cháy dựng đứng hình búp đa", đến những khuôn mặt người thân như "Cô Quỳ ngước hai con mắt sập mi lên, hấp háy nhìn tôi". Cái buổi lễ Vu Lan với bao hồi tưởng về quá vãng ấy đã rất dịu dàng "buộc" người đọc theo về những chuyện trong hồi ký với tâm thế hoài niệm, đồng cảm.
Hồi ký của Ma Văn Kháng "đậm đà" dấu ấn văn chương ông. 26 chương xung quanh chuyện của người thầy, nhà văn Đinh Trọng Đoàn (tên thật của nhà văn Ma Văn Kháng)… hiện lên như những thước phim, mồn một, sinh động. Có những câu, những từ, những đoạn khiến người đọc phải dừng lại, ngẫm ngợi, thưởng thức: "Nghe thấy bóng nắng lên trên những tầu chuối vàng nõn màu tơ lụa. Tiếng rúc của một con chích chòe rơi vào thăm thẳm…". Thấy rõ bóng dáng "chất liệu" đời sống phong phú đã đi vào những truyện ngắn, tiểu thuyết nổi tiếng như "Trăng soi sân nhỏ", "Mùa lá rụng trong vườn"…
Giọng văn đặc sắc ấy đã giúp "tải" biết bao chuyện đời của một nhà văn. Trong lớp lớp những câu chuyện ấy là gương mặt đất nước một thời vừa nhọc nhằn, buồn bã nhưng đầy chia sẻ và yêu quý. Người trẻ có thể "ngột ngạt" với chương XV tái hiện cuộc sống chồng chất các thế hệ, chồng chất nỗi cơ cực trong căn phòng 8m2, trong con ngõ nhỏ ở Hà Nội những năm 1976 đến 1980; rồi sẽ "cay cay sống mũi" khi thấy vợ chồng nhà văn đi nhận căn nhà phân phối 24m2: "Mỗi khi sang đường… lại dặn nhau đừng xúc động quá, dễ bị tai nạn xe cộ. Nhận chìa khóa mở căn hộ… cùng òa khóc nghẹn ngào". "Chuyện cổ tích" đấy mà lại rất "đương đại" khi nó cho ta một chất xúc tác để lên men cảm xúc hạnh phúc - nhiều khi đã bão hòa bởi chính sự no đủ hôm nay.
Hồi ký Ma Văn Kháng cũng lưu giữ biết bao điều thú vị về đời nhà giáo, nhà văn với 22 năm ở miền núi, rồi lại về xuôi, rồi "kinh qua" bao nhiêu nhiệm vụ… Trong đó, thật khó quên những chuyện "bếp núc", thăng trầm của hàng loạt tiểu thuyết, truyện ngắn của ông đã ghi dấu trong đời sống. Những "nguyên mẫu" của các nhân vật trong "Mùa lá rụng trong vườn", "Côi cút giữa cảnh đời", "Ngược dòng nước lũ"… Hơn cả là những trải nghiệm nghề nghiệp thực khó hình dung nổi "Tôi vẫn viết… trong căn buồng mùa hè chật hẹp như cái lò thiêu, tôi viết, được trang nào lại dúi xuống cất giấu dưới gầm giường cùng lũ nồi niêu xong chảo…". Cũng ở hồi ký này ta gặp lại nhiều gương mặt nhà văn Việt Nam, tìm thấy những phẩm chất đáng quý của họ dưới ngòi bút thật "nồng hậu" của Ma Văn Kháng (chữ dùng của nhà văn Bùi Bình Thi).
Tấm tình của nhà văn toát lên trong suốt những trang hồi ký, khiến cho ta thấy lòng thật nhẹ nhàng "Với các đồng nghiệp và bạn bè, tôi chỉ muốn dừng lại ở những kỷ niệm tốt đẹp… Vả chăng con người là một thực thể đa tạp và biến động. Đã biết thế nào mà vội kết luận về nhau. Mỗi người là một hoàn cảnh với những vui buồn, sung sướng đớn đau riêng, nếu không chia sẻ thì cũng phải thể tất". "Nhu" đấy nhưng bên trong là "thép tôi rừng rực" (nhà văn Hồ Anh Thái).
Văn trong hồi ký và hồi ký một nhà văn trong "Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương" thực mang lại cho không ít đồng nghiệp và bạn đọc yêu mến Ma Văn Kháng những điều bất ngờ và ý nghĩa.