Đổi cách tuyên truyền, tăng cường xử phạt

Đời sống - Ngày đăng : 07:10, 19/01/2010


Mỗi ngày có 31 người chết vì TNGT

Ý thức của người dân là yếu tố quan trọng giảm thiểu tình trạng mất an toàn giao thông. Ảnh: Linh Tâm


Đây là thực trạng đau lòng được đại diện Ủy ban ATGT quốc gia nêu ra tại Hội nghị ATGT toàn quốc. Theo thống kê, cả nước đã xảy ra 12.492 vụ TNGT, làm chết 11.516 người, bị thương 7.914 người, so với năm 2008 đã giảm 390 vụ, 78 người chết, 152 người bị thương. Số vụ TNGT, số người chết và bị thương đều giảm nhưng lại xảy ra một số vụ nghiêm trọng, liên quan đến ô tô khách, đò ngang dân sinh và tàu hỏa.

Theo kết quả phân tích, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do ý thức chấp hành pháp luật ATGT còn kém (85,5% số vụ TNGT do lỗi của người tham gia giao thông gây ra). Cơ sở hạ tầng giao thông tuy đã được cải tạo, nâng cấp nhưng chưa tương xứng với sự gia tăng số lượng phương tiện, các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt, số đường ngang dân sinh mở trái phép bị đóng ít hơn số vi phạm mới. Số lượng phương tiện cơ giới đường bộ tăng nhanh gấp nhiều lần tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng (năm 2009, số lượng mô tô, xe gắn máy đã tăng thêm 10,5%, ô tô tăng 14,1%)…

Trong năm qua, trên địa bàn Hà Nội xảy ra 815 vụ TNGT làm 884 người chết, 527 người bị thương (giảm 4 vụ, giảm 2 người chết và giảm 3 người bị thương so với năm 2008). Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi, Hà Nội mới chỉ có 7% quỹ đất dành cho giao thông và hầu hết các tuyến đường đều có mặt cắt hẹp. Trong khi đó lượng phương tiện tham gia giao thông rất lớn (trên 300.000 ô tô, 3,6 triệu xe máy và hàng ngàn xe buýt, chưa kể xe ngoại tỉnh hoặc các cơ quan đóng trên địa bàn) nên việc ùn tắc, TNGT là khó tránh khỏi. Hà Nội đã rất nỗ lực xóa các điểm đen giao thông, hạn chế ùn tắc như cải tạo các nút giao, phân luồng vào giờ cao điểm. Tuy nhiên, đây chỉ là các giải pháp tình thế.

Áp dụng xử phạt "nguội"

Đánh giá về công tác bảo đảm trật tự ATGT năm 2009, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, dù các cấp, các ngành và địa phương đã rất nỗ lực nhưng kết quả thu được vẫn còn khiêm tốn. Tuy nhiên, đây là công tác đòi hỏi phải triển khai lâu dài với các giải pháp mang tính bền vững và sáng tạo hơn. Muốn xây dựng được văn hóa giao thông thì phải rất nỗ lực và kiên trì. Khâu tuyên truyền phải thường xuyên, sinh động hơn nhằm làm chuyển biến ý thức của người tham gia giao thông.

Giải pháp mang tính lâu dài và bền vững tại Hà Nội nhằm từng bước hạn chế ùn tắc và TNGT, theo ông Nguyễn Văn Khôi vẫn phải là tập trung phát triển hạ tầng giao thông, sớm triển khai đầu tư xây dựng các tuyến đường vành đai, đường xuyên tâm. Song song với đó là tăng cường công tác tuyên truyền và kiểm tra, xử phạt. Vừa qua, Hà Nội đã cùng với TP Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ cho phép tăng mức thu phí giao thông và tăng mức xử phạt vi phạm so với quy định để tăng sức răn đe, giáo dục.

Trước những đề xuất này, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu xem xét và lưu ý, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cần tăng cường xử phạt "nguội" thông qua hệ thống camera, thiết bị điều khiển từ xa để theo dõi. Phải làm sao để trên mỗi tuyến đường, dù không có bóng CSGT, người dân vẫn nghiêm chỉnh chấp hành. Nguồn vốn đầu tư hệ thống thiết bị này hoàn toàn có thể kêu gọi xã hội hóa. Sau đó, lấy nguồn kinh phí từ xử phạt vi phạm để bù đắp. Các địa phương cũng cần coi công trình khắc phục điểm đen giao thông là dự án cấp bách, được áp dụng cơ chế đặc thù…

Lương Ninh Giang

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Hà Nội tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm nhằm làm giảm ùn tắc và TNGT
- Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về giao thông.
- Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trật tự, ATGT; tăng cường rà soát, kiểm tra điểm đỗ, dừng phương tiện trên hè phố, lòng đường không bảo đảm điều kiện; xóa bỏ điểm trông giữ phương tiện ảnh hưởng tới giao thông…
- Tiếp tục tổ chức giao thông tại các điểm, nút giao thông, tuyến đường cho phù hợp, hiệu quả; khảo sát các điểm đen giao thông và có giải pháp khắc phục.
- Đẩy nhanh việc điều chỉnh quy hoạch GTVT Thủ đô, quy hoạch hệ thống giao thông tĩnh và triển khai các dự án giao thông trọng điểm.

- Đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách công cộng; tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh các tuyến xe buýt, kéo dài hợp lý các tuyến theo địa giới mới của TP; bổ sung một số tuyến buýt theo hướng xã hội hóa và bố trí theo tuyến đưa đón cán bộ, công nhân viên, sinh viên, học sinh cũng như thay thế một số loại xe để phù hợp với đặc điểm, điều kiện các tuyến phố, loại dần xe cũ, nâng cao chất lượng dịch vụ của xe buýt.