Hối hả cùng mùa xuân

Kinh tế - Ngày đăng : 06:43, 19/01/2010

Thời tiết ở phố núi Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La sau những ngày dài lạnh buốt đã ấm dần lên. Trên công trường Thủy điện Sơn La vẫn âm vang tiếng máy từ phía sông Đà dội về hai bên vách núi suốt 24 giờ/ngày.


Trên đại công trường này đã từ lâu rồi không còn khái niệm "bắt đầu một ngày mới", bởi anh em công nhân làm việc 3 ca, 4 kíp, lúc nào cũng nhộn nhịp người và xe. Tất cả đang dồn sức đáp ứng tiến độ tích nước vào tháng 5-2010, phát điện tổ máy số 1 vào cuối tháng 12-2010.

Dồn sức bảo đảm mốc tiến độ

Công trường Thủy điện Sơn La thi công hối hả trong đêm nhằm bảo đảm tiến độ công trình. Ảnh: Ngọc Hà - ttxvn

Mặc dù Tết Nguyên đán đang đến gần nhưng trên công trường Thủy điện Sơn La vẫn hội tụ 4 "anh tài" trong làng xây dựng thủy điện là các Tổng Công ty Sông Đà (tổng thầu), Lắp máy (Lilama), Phát triển hạ tầng (Licogi), Xây dựng Trường Sơn. Để chuẩn bị lắp đặt tuabin tổ máy số 1, có thêm Công ty TNHH MTV Cơ khí Đông Anh tham gia làm mái che gian máy và Công ty Cơ khí Quang Trung lắp đặt cần trục trung gian. Khi chúng tôi có mặt trên công trường cũng là lúc Tổng Công ty Sông Đà đã đổ đến mét khối bê tông đầm lăn thứ 1.495 triệu (đạt 65%); mét khối bê tông thường thứ 2.010 (đạt 77% khối lượng bê tông cần thực hiện) và Lilama đã lắp đặt được 32.400 tấn thiết bị (đạt 42%). Những người thợ lắp máy của Lilama cũng đã hoàn thành việc lắp đặt, hàn khẩu khoanh cuối cùng đường ống áp lực tổ máy số 6 và đang chuẩn bị cho khâu quan trọng là lắp đặt thiết bị cơ điện. Để tổ máy 1 phát điện vào cuối tháng 12 năm nay như kế hoạch yêu cầu, Lilama phải hoàn thành lắp đặt 54.000 tấn thiết bị. Đứng trên cao độ 228m, chúng tôi thấy bức tường bê tông chắn ngang dòng sông và các tổ máy đã được định hình. Nhiều hạng mục khác cũng được triển khai như lắp đặt các đường ray cần trục trung gian 250 tấn, gian máy 2x560 tấn, đập tràn đang thi công đổ bê tông thường ở cao độ 207m với khối lượng thi công 2.000m3/ngày-đêm, đổ bê tông đầm lăn với khối lượng 5.000m3/ngày-đêm; cửa nhận nước đang thi công ở cao trình 200m.

Từ cầu tạm phía hạ lưu sông Đà trông lên, công trường thủy điện hiện lên tầng tầng lớp lớp các hạng mục công trình, nhấp nhô như những nốt nhạc trên dòng kẻ. Những người thợ uốn mình, thắt dây đai an toàn đang thi công trên những tầng cao, hàn khẩu đường ống áp lực, cheo leo trên các cần cẩu… tô điểm thêm cho bản hùng ca trên đại công trường Thủy điện Sơn La. Các chủng loại phương tiện vận chuyển cỡ lớn, siêu trường siêu trọng, máy đào xúc, khoan nổ, xe máy đặc chủng hoạt động ngày đêm với sự nỗ lực của gần 10.000 kỹ sư, công nhân, nhân viên kỹ thuật đã xây dựng nhiều công trình thủy điện của đất nước như Thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang, Yaly, Bản Vẽ, Sê San… Hiện nay, các cỗ máy khổng lồ của tổ máy số 1 (gồm bánh xe công tác nặng 210 tấn, trục tua bin 110 tấn, máy biến áp 282 tấn, 1 kiện hàng liên quan đến máy phát điện gần 200 tấn) đã được Công ty Vận tải Đa Phương Thức vận chuyển từ cảng Hải Phòng lên tập kết tại công trường. Tổng Giám đốc Công ty Vận tải Đa Phương Thức Nguyễn Đăng Sâm cho biết, các thiết bị siêu trường, siêu trọng nói trên đã được vận chuyển đến vị trí tập kết tại công trình Thủy điện Sơn La trong 13 ngày đêm, vượt 32 ngày so với kế hoạch.

Vào năm 2010, giai đoạn có ý nghĩa quyết định, bắt đầu nút cống dẫn dòng tích nước hồ chứa, nên khối lượng xây dựng rất lớn với 1,234 triệu mét khối bê tông, lắp đặt 17.700 tấn thiết bị. Vì vậy, các đơn vị đều phải dồn sức nỗ lực để bảo đảm những mốc tiến độ đã đề ra.

Những làng tái định cư đã an cư

Công tác di dân cũng đang ở giai đoạn cuối, đòi hỏi tập trung thu hồi đất nhanh, giao đất sản xuất và hướng dẫn phương án cũng như hỗ trợ… để sớm ổn định đời sống cho các hộ dân tái định cư (TĐC); hoàn thành các công trình giao thông tránh ngập; xây lắp và đóng điện các dự án tuyến đấu nối điện cũng như thu dọn lòng hồ, khai quật và di dời các di tích cổ vùng lòng hồ. Toàn bộ hồ chứa khoảng 9,26 tỷ mét khối nước, với chiều dài lòng hồ hàng trăm kilômét, từ huyện Mường La (tỉnh Sơn La) đến thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên) phải được dọn dẹp, vệ sinh trước thời điểm tích nước vào tháng 5-2010.

Thủy điện Sơn La là công trình trọng điểm của đất nước ở khu vực Tây Bắc, vì vậy, sự đồng thuận của chính quyền và người dân 3 tỉnh Sơn La, Lai Châu và Điện Biên trong việc di dời đến nơi ở mới để dành đất cho xây dựng công trình là yếu tố quan trọng bảo đảm tiến độ của công trình. Chủ đầu tư và các nhà thầu thi công đang nỗ lực thực hiện công tác di dân một cách chu đáo, đúng tiến độ để phát điện đúng kế hoạch. Thủy điện Sơn La là món quà có ý nghĩa chào mừng Đại hội Đảng lần thứ XI vào năm 2011, góp phần quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và vùng Tây Bắc nói riêng.

Chúng tôi lên Sơn La đúng vào dịp Tết của người Mông, rừng Tây Bắc đã lác đác mai trắng, đào bích. Mùa này suối ít nước. Sương mù dày đặc. Ruộng bậc thang, nhà ven suối, những ngôi làng TĐC trên miền Tây Bắc đang chuyển mình theo nhịp sống mới. Tại các làng TĐC Huổi Hao, Mường Chùm… tôi đã cảm nhận được sự ấm cúng lan tỏa từ những ngôi nhà, trong đó người dân đã có cuộc sống sung túc, đầy đủ hơn.

Thanh Mai

Công trình trọng điểm quốc gia
* Thủy điện Sơn La là nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, là công trình trọng điểm quốc gia, do Quốc hội giám sát; Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt đầu tư.
* Công trình được khởi công xây dựng ngày 2-12-2005 tại xã Ít Ong, Mường La (Sơn La). Dự kiến năm 2010 nhà máy sẽ phát điện tổ máy đầu tiên, trước khi hoàn thành và đưa vào sử dụng tất cả 6 tổ máy vào năm 2013.
* Công trình này ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên. Phạm vi ảnh hưởng đã được Chính phủ xác định: Hơn 20.000ha đất bị ngập, tổng giá trị thiệt hại là gần 2.000 tỷ đồng. Số dân phải dự kiến di chuyển đến 2010 là gần 20.000 hộ, với hơn 90.000 nhân khẩu thuộc 8 huyện, thị xã. Đối tượng chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số…

Nhiệm vụ chủ yếu của công trình
* Cung cấp nguồn điện năng để phát triển kinh tế - xã hội phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;
* Góp phần chống lũ về mùa mưa và cung cấp nước về mùa kiệt cho đồng bằng Bắc bộ;
* Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc.

Một vài thông số kỹ thuật
* Diện tích hồ chứa: 224km2. Dung tích toàn bộ hồ chứa: 9,26 tỷ mét khối nước.
* Công suất lắp máy: 2.400 MW, gồm 6 tổ máy (sẽ được đấu nối vào hệ thống điện quốc gia bằng bốn đường dây 500kV Sơn La - Hòa Bình, Sơn La - Nho Quan, Sơn La - Việt Trì và Sơn La- Sóc Sơn)
* Điện lượng bình quân hằng năm: 9,429 tỷ kWh.
* Tổng vốn đầu tư: 42.476,9 tỷ đồng (bao gồm vốn đầu tư ban đầu là 36.786,97 tỷ đồng và lãi vay trong thời gian xây dựng là 5.708 tỷ đồng)
.