Cán bộ chính quyền cơ sở cần nắm chắc quy định
Chính trị - Ngày đăng : 06:20, 19/01/2010
Cán bộ cũng... lơ mơ
Tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” phường Trần Hưng Đạo.(quận Hoàn Kiếm) Ảnh: Huyền Linh
Theo quy định, cán bộ tại bộ phận "một cửa" chỉ tiếp nhận hồ sơ hành chính (HSHC) của công dân khi đã đầy đủ hồ sơ. Thành phần hồ sơ của từng loại thủ tục đều phải được niêm yết công khai và hơn ai hết, cán bộ phải nắm rõ bộ hồ sơ thiếu giấy tờ gì để hướng dẫn người dân bổ sung. Song, ở nhiều UBND phường, cán bộ "một cửa" không nắm rõ quy định, hoặc cho rằng mình là khâu trung gian, chỉ có trách nhiệm nhận, còn thành phần hồ sơ là của bộ phận chuyên môn. Vì vậy, người dân vẫn nộp được hồ sơ rồi chờ đợi cả tháng, cả năm mà không được giải quyết.
Tại UBND phường Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), vào tháng 4-2009, có tới 400 hồ sơ xin cấp "sổ đỏ" tồn đọng, nhưng đến tháng 1-2010, mới chỉ có 17 hồ sơ được giải quyết. Theo Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Lương, UBND phường đã trình lên quận tất cả 400 hồ sơ đó nhưng 383 hồ sơ lại thuộc diện "bất khả kháng" do nằm trong diện quy hoạch. Tương tự, tại phường Xuân La (quận Tây Hồ) cũng có 2 trường hợp người dân phải chờ đợi gần 1 năm mới biết rằng nhà mình ở trong diện quy hoạch và 1 trường hợp cũng sau gần 1 năm đương sự mới được thông báo là phải bổ sung hồ sơ... Đáng ra, việc quy hoạch phải được quận và phường công bố công khai để người dân biết. Đồng thời, chính cán bộ phường phải trả lời luôn cho công dân biết trường hợp đó đủ điều kiện hay không chứ không phải cứ nhận rồi chuyển lên quận, rồi quận lại trả về, gây mất thời gian và công sức. Chưa kể, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) đã có quy định mới (Quyết định số 117/2009/QĐ-UBND có hiệu lực từ ngày 11-12-2009) nhưng nhiều đơn vị vẫn niêm yết các quyết định cũ: 23/2005/QĐ-UBND và 23/2008/QĐ-UBND thì làm sao hướng dẫn đúng cho người dân thực hiện.
Cần thông tin "2 chiều"
Hiện nay, chính quyền các cấp đang đẩy mạnh thông tin về CCHC qua báo cáo định kỳ. Hàng tháng, hàng quý, hàng năm, các đơn vị đều phải gửi văn bản báo cáo việc thực hiện công tác CCHC lên cơ quan cấp trên. Đây cũng là một cách để lãnh đạo nắm được tình hình của đơn vị cấp dưới. Tuy nhiên, kiểu báo cáo này cũng bộc lộ không ít hạn chế; các đơn vị thường hay báo cáo thành tích, báo cáo chung chung hoặc hình thức. Hơn nữa, việc định kỳ gần nhau quá khiến cán bộ các đơn vị bị "quay như chong chóng" với báo cáo, trong khi công việc chuyên môn vốn đã bộn bề. Bên cạnh đó, việc thông tin về CCHC nói chung hiện nay chưa thực sự tác động đến hoạt động thực thi công việc của cán bộ, công chức nên vẫn còn tình trạng trì trệ, nhất là ở các phòng chuyên môn. Theo PGS.TS Nguyễn Kim Sơn (Học viện Hành chính), thông tin CCHC mang ý nghĩa thực tiễn rất lớn. Do đó, không thể chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin "một chiều"; và cần cung cấp cả những thông tin về thực tiễn CCHC "không thành công", "không hiệu quả" thì mới có tác dụng trở thành bài học cho các đơn vị khác rút kinh nghiệm.
Như vậy, để công tác CCHC có hiệu quả, không gây phiền hà, mất thời gian của công dân thì trước tiên chính những cán bộ chính quyền cơ sở phải kịp cập nhật thông tin, công khai tất cả các vấn đề liên quan đến TTHC và hướng dẫn người dân thực hiện. Đồng thời, cơ quan cấp trên cần có biện pháp kiểm tra thực tế các đơn vị để nắm rõ tình hình chứ không chỉ dựa trên cơ sở báo cáo của các đơn vị thì mới thúc đẩy được việc CCHC hiệu quả.
Phong Thu
Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2001-2010 đã xác định tăng cường công tác thông tin tuyên truyền là một trong những giải pháp chủ yếu để thực hiện chương trình. Theo đó, CCHC không chỉ là công việc riêng của hệ thống hành chính, mà là yêu cầu chung của toàn xã hội. Vì vậy, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin để mọi cán bộ công chức và người dân nhận thức đúng về cải cách bộ máy nhà nước và CCHC. |