Coi chừng “quả đắng”

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:59, 19/01/2010

(HNM) - Những ngày đầu tháng vừa qua, dư luận rộ lên thông tin


Hỏi nghe tin ấy ở đâu, người thì nói nhận được tin nhắn qua điện thoại di động, người bảo đọc trên mạng internet, người xem trên "chat - yahoo messenger"... Tóm lại, chưa rõ thực hư ra sao, nhưng một điều chắc chắn là bà con tiêu dùng ta bị một phen hoang mang, nghi ngờ không biết thế nào mà... lần !

Trong những ngày Tết Nguyên đán sắp đến, ban thờ gia đình nào cũng có mâm "ngũ quả". Nhưng không lẽ lại "dâng" mấy thứ hoa trái "có thể phá hủy nội tạng" ấy cúng ông bà ông vải? Gia chủ nào có ít tin chuyện tâm linh thì cũng "trước là cúng cụ, sau là hưởng lộc". Hỏi yên tâm làm sao khi mắt thường khó thể nhận biết trên sạp quả bạt ngàn chợ Tết, thứ nào đã "bị" tiêm thuốc bảo quản, thứ nào chưa ?

May thay, trong trận đồ "bát quái thông tin" ấy, cơ quan có trách nhiệm đã lên tiếng. Một vị lãnh đạo Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia (Tiến sĩ, Phó Viện trưởng Lê Thị Hồng Hảo) đã chính thức phát biểu trước báo giới và công luận rằng: Không hề có chuyện chất bảo quản hoa quả gây phá hủy nội tạng. Trong các loại phụ gia thực phẩm, có một số loại trong danh mục được phép dùng để bảo quản hoa quả, với mục đích chống thối và mốc. Kể cả với một số người lạm dụng thuốc trừ sâu để chống thối, bảo quản hoa quả, thì chúng chỉ gây nặng thì ngộ độc sau khi ăn mươi lăm phút, nhẹ thì tồn dư chất độc trong người và chỉ phát tác khi tích đủ lượng để gây hại, chứ thuốc sâu không có tính chất phá hủy nội tạng.

Vậy là đã rõ. Bà con nội trợ thở phào. Nhưng chỉ trong hơn tuần lễ có thông tin "truyền tai" trên, ngành hàng hoa quả từ cửa khẩu, chợ đầu mối đến hệ thống sạp hàng các chợ... đã chịu phần nào "điêu đứng" vì ế và thất thu. Nghĩ thật là tai hại. Những bài học tương tự từng xảy ra là chuyện sữa nhiễm Mêlamin, vụ "tẩy trứng gà", rồi một tổ chức tiền tệ quốc tế dự đoán ngân hàng nhà nước ta sẽ tăng lãi suất trong năm 2010... Đương nhiên những thông tin thất thiệt đó đều đã được những người có trách nhiệm của cơ quan hữu quan lên tiếng giải thích và... dẹp yên.

Vấn đề đặt ra qua những câu chuyện thông tin - tạm gọi là "thông tin rác" - là: Trình độ dân trí ta nhiều nơi chưa thể đồng đều để có thể phân biệt đâu là tin thật, đâu là tin giả, cho nên những thông tin đại loại như vừa kể trên, dẫu có "vỉa hè, máy nước", "vịt giời" thì cũng ảnh hưởng không nhỏ đến kinh doanh, sản xuất. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, trước những thông tin loại này, rất cần chuyên gia khoa học các ban, ngành hữu trách lên tiếng, lên tiếng kịp thời để xua tan những dư luận không chính xác, yên lòng người tiêu dùng và bà con kinh doanh, sản xuất.

Cũng cần nhấn mạnh rằng, sở dĩ nói phải "kịp thời", bởi bao thua thiệt, mất mát nơi người dân và nhà sản xuất qua mấy "xìcăngđan tin tức" trước đây, phần lớn đều do sự chậm trễ của những thông tin chính thống từ cơ quan có trách nhiệm. Vậy nên, qua câu chuyện "chất bảo quản gây phá hủy nội tạng", xin các cơ quan chức năng hãy hết sức lưu tâm, kẻo rồi chẳng riêng ngành hàng hoa quả tươi sống, mà cả những lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác cũng rất dễ ăn phải "quả đắng".

Oanh Anh