“Rác trời” vẫn chưa có cách gỡ
Đời sống - Ngày đăng : 07:13, 18/01/2010
Bó lại, có hợp lý?
Để giải quyết thực trạng này, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định (QĐ) 56, trong đó yêu cầu phải cải tạo, sắp xếp lại hệ thống đường dây và cáp đi nổi. Triển khai QĐ này, Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) xây dựng văn bản hướng dẫn doanh nghiệp (DN) thực hiện. Theo lãnh đạo Công ty Điện lực Hà Nội (ĐLHN), có rất nhiều loại dây treo trên cột điện và không thể biết được ai là chủ của các sợi dây đó, gây khó khăn cho việc quản lý và cùng phối hợp giải quyết khi xảy ra sự cố. Do vậy, thời gian tới công ty sẽ thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để các đơn vị đến nhận dây, sau đó gắn thẻ đánh mã số tên đơn vị sở hữu trên các đường dây này. Đồng thời ĐLHN cũng đề nghị các DN rút ngắn cụm dây dự phòng, bởi nếu cứ để như hiện nay sẽ ảnh hưởng đến tải trọng cho hệ thống cột điện và có thể gây đổ bất cứ lúc nào. Sau 30 ngày, kể từ khi thông báo, nếu đơn vị nào không đến nhận, công ty báo cáo xin ý kiến thành phố dỡ bỏ. Thực tế, ĐLHN đã thí điểm một số khu vực, cùng phối hợp với Viettel gắn mã số trên các hệ thống dây của DN này. Đại diện Công ty ĐLHN cho biết, để sắp xếp lại hệ thống dây, cáp này, công ty sẽ thực hiện biện pháp bó lại. Cùng với đó, ĐLHN thiết kế lại cột điện để đặt các làn cáp.
Đề xuất gắn thẻ của ngành điện được các DN viễn thông, truyền hình cáp ủng hộ. Song với giải pháp bó lại hệ thống dây, nhiều DN tỏ ra lo lắng. Đại diện chi nhánh Viettel Hà Nội 1 cho biết, bó lại chỉ là giải pháp tình thế, có thể đạt yêu cầu về cảnh quan đô thị, nhưng hệ thống đường dây cáp đi nổi là cả vấn đề, bởi hoạt động của DN luôn biến động, mà cụ thể các DN cung cấp dịch vụ thường phải thay đổi dung lượng, nay kéo chỗ này, mai kéo chỗ kia, nếu bó lại, mỗi lần khai thác, lại phải dỡ tung ra, gây ảnh hưởng đến chất lượng thông tin của các đơn vị khác. Đại diện Trung tâm Truyền hình cáp Hà Nội bổ sung, việc bó lại hệ thống dây của các DN có thể gây nguy hiểm cho tất cả, nếu xảy ra sự cố đứt dây hoặc cháy nổ, khi đó có thể gây "tê liệt" liên lạc cho tất cả các nhà cung cấp dịch vụ, ảnh hưởng đến nhiều người dân và khi đó thiệt hại không thể tính hết. Vị đại diện này đề xuất biện pháp cụ thể, ngành điện nên thực hiện theo cách dành cho mỗi DN treo dây, cáp ở một tầng cách nhau 10-15cm được ngăn cách bằng dây thép kiêm "giá đỡ" vừa bảo đảm mỹ quan đô thị, vừa bảo đảm an toàn cho chính các nhà cung cấp dịch vụ. Các ý kiến này được lãnh đạo Sở TT-TT tiếp thu và sẽ đề xuất với thành phố để chỉ đạo thực hiện.
"Vướng" giá thuê cột điện
Câu chuyện tranh cãi giữa ngành viễn thông (đại diện là Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam - VNPT) và ngành điện (Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) về giá thuê cột điện đã kéo dài 1 năm nay và cho đến nay vẫn chưa ngã ngũ. VNPT và EVN đều khẳng định có những chứng cứ thuyết phục cho lý lẽ của mình, cụ thể VNPT chứng minh được giá thuê cột do EVN đưa ra là "tăng giá quá cao vô lý" (gấp 8-10 lần so với giá cũ), còn EVN thì cho biết họ cũng đủ chứng cứ để bảo vệ quan điểm tăng giá của mình. Vấn đề là ở chỗ, khi hai công ty mẹ đang tranh cãi, chưa thống nhất được giá cả, các công ty con thật khó thực hiện và điều này cũng tạo điều kiện cho họ có thể áp dụng mỗi nơi một khác. Thực tế đã xảy ra tình trạng điện lực địa phương đã từng tháo dỡ dây, cáp thông tin với các DN chưa đến ký hợp đồng theo giá mới… Song điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai thí điểm sắp xếp đường dây, cáp đi nổi mà Hà Nội yêu cầu nhằm bảo đảm mỹ quan đô thị và chuẩn bị cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ngay tại hội nghị bàn về triển khai QĐ 56, có nhiều ý kiến phản đối giá thuê cột điện, về sự thay đổi văn bản của ĐLHN quy định về gắn biển đánh mã số… khiến DN không biết đường nào mà lần.
Vướng mắc về giá thuê cột điện là vấn đề mà thành phố cũng như VNPT và EVN không thể giải quyết. Thực tế, trong cuộc họp chiều 13-1 giữa lãnh đạo hai tập đoàn, vấn đề giá thuê cột điện vẫn rơi vào bế tắc. Họ đang đợi cuộc họp giữa hai cơ quan chủ quản là Bộ TT-TT và Bộ Công thương với nhà "cầm cân nảy mực" là Bộ Tài chính, thậm chí có ý kiến còn cho rằng vấn đề giá thuê cột điện phải cần cả sự vào cuộc của Chính phủ mới giải quyết triệt để được. Song người dân cũng như chính quyền TP Hà Nội hy vọng các DN viễn thông, truyền hình cáp và điện lực sẽ tạm bỏ qua những bất đồng để cùng chung tay với Hà Nội dẹp bỏ "rác trời", bảo đảm an toàn cho người dân và cảnh quan đô thị.