Để có một việc làm như mong muốn
Giáo dục - Ngày đăng : 03:34, 17/01/2010
Ý thức tự giác chưa cao
Sinh viên đăng ký tìm việc làm tại hội chợ việc làm thành phố. Ảnh: Minh Duy
Rất nhiều chuyên gia kinh tế và nhà tuyển dụng cho rằng, rất ít doanh nghiệp (DN) lựa chọn người làm được việc ngay. Thực tế còn tồn tại "nghịch lý" SV thì than thất nghiệp, còn DN lại thiếu người. Nguyên nhân chính là do chương trình đào tạo của nhà trường chưa gắn với thực tiễn DN, SV chỉ có kiến thức lý thuyết, còn khả năng thực hành chưa cao. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, chất lượng đầu ra của SV hiện nay kém hơn trước, mặc dù điều kiện học tập thuận lợi, chỉ có khoảng 50% SV ra trường làm việc được ngay, đúng chuyên môn. Thực trạng ''đầu ra'' nguồn nhân lực thấp có trách nhiệm từ hai phía nhà trường và ý thức tự giác của SV.
Cùng chung quan điểm về ý thức tự giác của SV hiện nay, Tiến sĩ Nguyễn Lê Minh, chuyên gia về lao động - việc làm đưa ra ví dụ: Mỗi kỳ nghỉ hè, SV nước ngoài thường lăn xả đi kiếm tiền để trải nghiệm thực tiễn. Nhưng ở nước ta, SV được đánh giá là thông minh, tiếp thu nhanh nhưng rất ít trong số họ có tinh thần dấn thân trong học tập và kiếm việc làm ở kỳ nghỉ. Thậm chí có SV còn cho rằng kỳ nghỉ là để "xả hơi" sau những tháng bù đầu học tập.
Việc hôm nay chớ để ngày mai
Hiện nay, việc tư vấn, hướng nghiệp sớm cho học sinh các trường THCS, THPT, rèn luyện kỹ năng mềm song hành với kiến thức, chuyên môn chưa được quan tâm đúng mức. Đã có nhiều buổi tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm do các cơ sở Đoàn, Hội tổ chức trên địa bàn TP Hà Nội. Tuy nhiên, nhiều SV và thanh niên chưa hiểu rõ tầm quan trọng của việc này, họ đến rất đông để "xem" thế nào, rồi theo tâm lý chung cứ nộp hồ sơ cho các công ty, nơi nào cần thì gọi. Đào Thị Loan, SV Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội cho biết, em đã từng tham gia hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp và nộp hồ sơ vài chỗ, nhưng chẳng có nơi nào gọi. "Bọn em lúc học xong THPT đăng ký dự tuyển, cứ đọc thấy tên trường nào hay hay, phù hợp với khối ôn luyện là đăng ký dự thi, chẳng biết học chuyên ngành đó sau này ra làm cái gì. Đúng sở thích hay không đều không quan trọng, miễn là đăng ký thi một trường. Nhiều bạn ở lớp quản trị kinh doanh của em có suy nghĩ như vậy". Loan cho biết thêm.
Tại buổi tọa đàm, theo ý kiến của các chuyên gia và nhà quản lý, ngành giáo dục cần có sự chuyển biến mạnh mẽ, nên để DN cùng tham gia vào quá trình đào tạo, vì chính SV (ứng viên) và DN (nhà tuyển dụng) mới biết cần gì và làm thế nào để cung - cầu phù hợp.
Một số chuyên gia về tuyển dụng lao động "mách nước", khi đi xin việc đừng bao giờ trình bày nhiều về hoàn cảnh bản thân. Các bạn trẻ phải biết rằng chỗ tuyển dụng là nơi họ cần tuyển người chứ không phải một tổ chức "từ thiện". Họ cần ở bạn một người có thể đáp ứng yêu cầu của họ và có khả năng làm việc tốt. Vì thế cách tốt nhất là bày tỏ bản lĩnh của mình là có năng lực khá, chuyên biệt, có thể áp dụng năng lực đó để làm tốt công việc yêu cầu. Bên cạnh đó, SV cần rèn luyện lòng kiên nhẫn và ý chí, biết nghĩ tìm ra một công việc đúng sở trường mà mình có thể làm tốt.
Để có một việc làm như mong muốn, mỗi SV phải rèn luyện, bổ sung những kiến thức ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường với quyết tâm "việc hôm nay chớ để ngày mai". Chia sẻ kinh nghiệm lập thân, lập nghiệp, anh Cao Duy Phong, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hasaico nói: "Trước mỗi mục tiêu, tôi đều suy nghĩ nhiều, suy nghĩ để nói ra, nói được thì phải hành động, hành động để thành thói quen. Nhiều người gặp tôi đã nói số tôi gặp may, nhưng tôi lại nghĩ, tôi đã tạo được nhiều thói quen tốt". Anh Phong trăn trở: SV hay mắc một loại bệnh, đó là dồn việc cho ngày mai, đối xử tệ với ước mơ của mình. Ví như việc học để thi, SV hay có thói quen để gần thi mới học. Hầu hết SV đều có ước mơ, thậm chí mơ làm thủ tướng, nhưng hãy bắt tay vào ngay những việc nhỏ khi còn ngồi trên giảng đường.