Gặp người tham gia trận tập kích sân bay Bạch Mai
Chính trị - Ngày đăng : 06:43, 16/01/2010
Nói về trận đánh lịch sử tại sân bay Bạch Mai, cụ kể: Sân bay Bạch Mai được bao bọc bằng những hàng rào thép gai, ao hồ và hệ thống hào sâu. Lực lượng bảo vệ dày đặc gồm một đại đội Âu - Phi và một trung đội lính dù do một tên đại úy và tên trung úy Pháp chỉ huy. Ngày cũng như đêm, xe bọc thép, ô tô và lính bộ binh thay nhau tuần tra canh gác nghiêm ngặt. Khó tiếp cận là vậy, nhưng nhờ có đồng chí Chu Duy Kính (sau này là Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô) đã từng bị địch bắt làm phu tại sân bay trong khi hoạt động ở nội thành, sau khi trốn thoát ra ngoài, đồng chí Chu Duy Kính báo cáo với Ban Mặt trận Hà Nội phối hợp với nội ứng trong hàng ngũ địch tổ chức tập kích sân bay.
Nhiệm vụ đánh sân bay được Ban Mặt trận giao cho tiểu đoàn 108 với phương châm "bí mật, bất ngờ, ít đánh nhiều, hiệu quả cao". Để luyện tập, tiểu đoàn chọn một bãi cỏ rộng ở Hòa Bình. Cùng thời điểm đó, tại vùng hậu cứ của ta, công binh xưởng đã nghiên cứu và chế tạo thành công loại mìn hẹn giờ, trang bị cho đơn vị đánh sân bay. Chiều ngày 17-1-1950, tiểu đoàn xuất quân từ Hòa Bình về qua Xuân Mai, tập kết ở các vùng dân cư ở xung quanh sân bay. Anh em cải trang giống như những người buôn bán, làm thuê với tốp năm, tốp ba, đi thành nhiều đường để tránh bị phát hiện. Đến cầu Đen bắc qua sông Nhuệ, các chiến sĩ dừng lại bôi tỏi vào người để tránh chó bécgiê đánh hơi, ăn gừng nấu lẫn mật để chống ho và lấy những tấm lưới đánh cá buộc cỏ ngụy trang.
Bộ phận đánh sân bay chia làm ba mũi. Mũi một gồm 18 người và 1 du kích xã dẫn đường do đội trưởng Hà Giáp chỉ huy. Mũi hai có 8 người và 2 du kích, do Trần Thành, Chính trị viên đội chỉ huy. Mũi ba có 6 người và một xã đội phó ngoại thành dẫn đường do đội trưởng Tráng chỉ huy. Qua 2 tiếng đồng hồ luồn lách và chui cống ngầm, đội hình chiến đấu đã vào gọn sân bay. Đêm ấy, sương mù dày đặc, cách 4-5m không nhìn rõ mặt người, rất thuận lợi cho chiến sĩ ta thực hiện nhiệm vụ. Theo hiệp đồng, đúng 24 giờ ngày 17-1, các chiến sĩ lần lượt công kênh nhau leo lên máy bay đặt mìn và cắm kíp nổ chậm... Đêm ấy, ta phá hủy và đốt cháy 25 máy bay, 60 vạn lít xăng, 32 tấn vũ khí và một số trang bị quân dụng của địch. Phía ta một chiến sĩ đã hy sinh. Sau trận đánh, đơn vị được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba...
60 năm tròn, song đến hôm nay, trận đánh sân bay Bạch Mai vẫn còn âm vang trong lòng mỗi chiến sĩ "quyết tử" của tiểu đoàn 108, Trung đoàn Thủ đô. Riêng cụ Hán, sau khi tham gia trận đánh sân bay Bạch Mai toàn thắng, cụ lại lên đường đi chiến đấu. Hòa bình, cụ chuyển sang công tác ở Nhà máy gỗ Bạch Đằng thuộc Bộ Xây dựng. 85 tuổi đời, hơn 60 năm tuổi Đảng, là thương binh nhưng khi về hưu cụ Hán vẫn tích cực tham gia nhiều công việc của địa phương, luôn nêu cao truyền thống Bộ đội Cụ Hồ. Gia đình cụ năm nào cũng đạt gia đình văn hóa, gia đình CCB gương mẫu.