Phải đổi mới về nhận thức

Kinh tế - Ngày đăng : 05:52, 16/01/2010

(HNM) - Trong khi rất nhiều địa phương ở ngoại thành Hà Nội đã thành công trong dồn điền đổi thửa (DĐĐT), từ đó quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, xây dựng các mô hình trang trại nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị đất canh tác thì ở huyện Sóc Sơn, sau nhiều năm triển khai thực hiện DĐĐT nay vẫn ở thế

Việc chuyển đổi ruộng đất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi giúp Sóc Sơn phát triển sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Phương An


Để khắc phục những hạn chế và phá thế độc canh, Huyện ủy Sóc Sơn đã ban hành nghị quyết chuyên đề về DĐĐT, tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất nông nghiệp.

Thiếu quyết liệt
Sóc Sơn có tổng diện tích đất tự nhiên 30.652ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 13.599ha, chiếm 44,36%. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân phát triển nông nghiệp, nâng cao giá trị thu nhập trên một diện tích đất canh tác, những năm qua huyện Sóc Sơn đã chỉ đạo DĐĐT, nhưng kết quả rất thấp. Toàn huyện mới hình thành được 151 mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn trang trại, còn lại là đồng đất manh mún. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh, nguyên nhân khiến cho ruộng đất ở Sóc Sơn manh mún là do trước đây việc chia đất canh tác cho nông dân thực hiện theo phương châm: "Có gần có xa, có xấu có tốt, có cao có thấp".

Theo thống kê của huyện (đến hết tháng 5-2009), toàn huyện có 52.941 hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp, bình quân mỗi hộ đang sử dụng 9,6 thửa đất ở các xứ đồng khác nhau. Cá biệt ở xã Bắc Phú có hộ đang sở hữu 21 thửa. Không những mỗi hộ sở hữu nhiều thửa ruộng, diện tích các thửa đất lại không đồng đều (có thửa 2.880m2, có thửa chỉ rộng 10m2), bố trí phân tán đan xen nên đã gây nhiều khó khăn cho việc quy hoạch đồng ruộng, quy hoạch hệ thống tưới tiêu, giao thông nội đồng cũng như việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ngô Đại Ngọc cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến sự chậm trễ trong DĐĐT trên địa bàn huyện thời gian qua là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện tới cơ sở chưa tập trung, thiếu quyết liệt, chưa đề ra được các giải pháp mang tính khả thi trong quá trình tổ chức thực hiện. Công tác quy hoạch sử dụng đất sản xuất nông nghiệp ở hầu hết các địa phương đều chậm được triển khai, chất lượng thấp. Một bộ phận cán bộ chưa nhận thức đúng, đầy đủ ý nghĩa của việc DĐĐT. Thực tế, DĐĐT là giúp người dân dồn đổi thửa cho nhau cho phù hợp và khoa học, vì vậy nó liên quan trực tiếp đến quyền lợi nhiều người nên rất phức tạp. Cán bộ từ huyện đến cơ sở còn e ngại nên chậm triển khai. Bên cạnh đó là ý thức của người nông dân về DĐĐT không cao, họ bằng lòng với những gì đã có.

Khó cũng phải làm
Theo ông Ngô Đại Ngọc, chủ trương của huyện coi việc DĐĐT là cuộc cách mạng về ruộng đất. Chỉ có chuyển đổi ruộng đất từ thửa nhỏ thành thửa lớn mới tạo được sức bật mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ KHKT rộng rãi, đưa cơ giới vào đồng ruộng nhằm tăng giá trị thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, muốn DĐĐT thành công, huyện xác định, công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được lợi ích thiết thực của việc DĐĐT, đồng tình và tự nguyện tham gia là nhiệm vụ hàng đầu. Trong đó lấy cán bộ đảng viên làm đầu tàu gương mẫu, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của quần chúng tích cực để làm hạt nhân thúc đẩy phong trào. Đồng thời đấu tranh quyết liệt với những tư tưởng bảo thủ, trì trệ, an phận, tư tưởng hẹp hòi, cá nhân chủ nghĩa cản trở cuộc vận động này.

Để việc DĐĐT đạt hiệu quả, chủ trương của huyện là gắn việc DĐĐT với quy hoạch lại đồng ruộng, từng bước cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới hệ thống tưới tiêu, giao thông nội đồng để bảo đảm tính khoa học, thiết thực và hiệu quả. Huyện chỉ đạo, căn cứ vào đặc thù của từng vùng, từng địa phương rà soát, điều chỉnh quy hoạch để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa theo từng cây, con nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng ổn định, lâu dài. Bên cạnh đó là tạo hành lang pháp lý và có chính sách hỗ trợ cho nông dân để xây dựng các mô hình trình diễn về DĐĐT, từ đó nhân rộng trên địa bàn. Huyện sẽ hỗ trợ 70% kinh phí cho các xã, thị trấn để xây mới, cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi, đường giao thông nội đồng. Hiện nay, công tác DĐĐT đang được tập trung chỉ đạo làm điểm ở 2 xã Minh Trí và Tân Hưng bước đầu đã có những chuyển biến tốt.

Thu Hằng