Giá dầu thoái lui
Thế giới - Ngày đăng : 04:43, 16/01/2010
Sự bế tắc trong đàm phán về hiệp định dầu mỏ giữa Nga và Bêlarút vẫn không thể kéo giá dầu đi lên. |
Kể từ mức đỉnh gần 84 USD/thùng được thiết lập vào ngày 6-1, mức cao nhất trong vòng 15 tháng trở lại đây, giá dầu giao kỳ hạn tháng 2 "đánh mất" 54 xen, tương đương với 0,7% xuống còn 78,85 USD/thùng trên nhánh giao dịch điện tử của sàn Niu Yoóc. Dầu Brent giao kỳ hạn tháng 3 hạ 58 xen, còn 77,99 USD/thùng trên sàn giao dịch châu Âu trong khi hợp đồng dầu giao tháng 2 đã hết hạn vào ngày 14-1, chốt phiên tại mốc 77,82 USD/thùng, giảm 49 xen. Đây cũng là chuỗi trượt giảm mạnh nhất của dầu mỏ trong 4 tuần qua.
Nguyên nhân khiến giá dầu đi xuống và ấn định đà giảm không nằm ngoài yếu tố kinh tế. Những số liệu mới nhất cho thấy "sức khỏe" của nền kinh tế số 1 thế giới vẫn chưa thực sự ổn định khi doanh số bán lẻ tháng 12-2009 tại Mỹ hạ 0,3% trong khi số người xin trợ cấp thất nghiệp ở quốc gia này đã tăng thêm 2,5% trong tuần qua. Điều đó khiến niềm tin về sự hồi phục vững chắc của nền kinh tế toàn cầu suy giảm và tác động mạnh tới tâm lý của giới đầu tư khắp hành tinh. Vì vậy, dù mùa đông lạnh giá đang tiếp tục bao trùm nhiều khu vực của thế giới, đẩy nhu cầu tiêu thụ dầu sưởi ấm tăng cao vốn được xem là yếu tố đẩy giá dầu đi lên trong những tuần qua cũng đã không thể khiến vàng đen tiếp tục tăng giá.
Bên cạnh đó, báo cáo về dự trữ dầu của Mỹ vẫn giữ vai trò chi phối khá mạnh đối với các bước điều chỉnh của thị trường năng lượng. Trên thực tế, giá dầu đã giảm ngay sau khi Bộ Năng lượng Mỹ thông báo dự trữ dầu thô của nước này trong tuần qua tăng 3,7 triệu thùng, cao hơn nhiều so với dự đoán 1 triệu thùng. Dự trữ dầu chưng cất, bao gồm cả dầu sưởi ấm và dầu điêden cũng tăng khoảng 1,4 triệu thùng. Những con số này cho thấy nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu của quốc gia sử dụng năng lượng lớn nhất thế giới không ở đà tăng như được dự báo. Ngoài ra, đồng USD leo lên ngưỡng 1,4421 USD/ơrô cũng được nhìn nhận là yếu tố khiến sự hấp dẫn của dầu mỏ suy giảm.
Sự điều chỉnh theo hướng đi xuống của thị trường nhiên liệu còn bị tác động trước thông tin Trung Quốc lần đầu tiên kể từ năm 2008 quyết định nâng mức dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại nhằm hạn chế cơn bùng phát tín dụng, hạn chế bong bóng bất động sản và ngăn chặn nền kinh tế rơi vào tình trạng phát triển quá nóng. Chuyên gia phân tích Tôbi Haxan của CWA Global Markets Pty (Ôxtrâylia) cho rằng, nỗ lực kiểm soát hoạt động vay nợ của Chính phủ Trung Quốc đã ảnh hưởng tới thị trường dầu mỏ khi nước này đang là quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ hai hành tinh sau Mỹ; đồng thời là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất thế giới.
Diễn biến của giá dầu thô trong những ngày qua cho thấy trạng thái của nền kinh tế và thị trường tài chính thế giới vẫn giữ vai trò dẫn dắt thị trường năng lượng. Việc Nga và Bêlarút vẫn chưa đạt được thỏa thuận mới về điều kiện mua và trung chuyển dầu mỏ năm 2010 cũng là một trong những lý do khiến giá dầu tăng vọt thời gian qua. Trong khi đó, tuyên bố của Chỉ huy quân đội Mỹ tại Trung Đông và vùng Vịnh, Tướng Đavít Petraốt rằng, Mỹ đã có kế hoạch vũ lực nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran dường như đã không tác động nhiều đến giá nhiên liệu. Điều này khẳng định rằng diễn biến kinh tế sẽ là đòn bẩy quan trọng nhất đối với giá dầu trong những ngày tới và thị trường năng lượng đang trong thời gian kiểm chứng đà hồi phục của nền kinh tế toàn cầu.