Lại có cú sốc mới: Sư tử... không bất khuất
Thể thao - Ngày đăng : 10:47, 15/01/2010
Chủ quan, tự ái, mất lý trí và thất bại
Những bất ngờ ở giải CAN lần này đang được sản xuất hàng loạt theo một “quy trình chuẩn”: Các “đại gia” bao giờ cũng tiếp cận trận đấu với tâm lý chủ quan, bị thủng lưới trước, cố gắng vùng lên khi sự tự ái bị tổn thương, và hầu hết đều thất bại khi không đủ sự tỉnh táo để chứng minh đẳng cấp đích thực của mình. Cameroon không rút ra được bài học nào từ những cú vấp ngã đáng tiếc của Algeria, Bờ Biển Ngà hay Mali. Họ cũng bị Gabon chọc thủng lưới trước vì một sai lầm ấu trĩ của hàng thủ, để rồi bộc lộ một điểm yếu cố hữu của các đội bóng châu Phi: Tính tổ chức rất kém và quá dễ dàng để tâm lý chi phối.
Eto'o đơn độc trước vòng vây của các hậu vệ Gabon |
Kết quả lượt trận 1 bảng D |
Cameroon - Gabon 0-1 Lượt tới: |
Sư tử thường săn mồi theo bầy, nhưng 11 cầu thủ Cameroon, đội bóng vốn hay được ví là “Sư tử bất khuất”, thì lại mạnh ai nấy đá. Đầu trận, cú sút sệt liếm cột dọc của Emana sau một pha qua người xuất sắc là một pha bóng cá nhân tuyệt vời, nhưng đóng góp của anh cho lối chơi chung là rất mờ nhạt. Con sư tử đầu đàn Samuel Eto`o bị cô lập, khi anh và các đồng đội đều không thể ghìm được tự ái cá nhân xuống (bị Gabon, đội bóng đã thua Cameroon cả 2 lượt trận ở vòng loại World Cup, chọc thủng lưới trước, ai mà không tức giận?) để hướng đến một lối đá tập thể có tổ chức và tỉnh táo hơn.
Chiến thắng của sự tự tin
Nếu như hình ảnh bất lực và đơn độc của “kỷ lục gia” Eto`o (Vua phá lưới 2 kỳ CAN gần đây, chân sút xuất sắc nhất trong lịch sử CAN với tổng cộng 16 bàn) nói lên thất bại đến từ thói chủ quan và sự ích kỷ, thì những pha cứu thua không tưởng của thủ thành Didier Ovono bên phía Gabon đại diện cho chiến thắng được xây đắp bởi tinh thần. Sự tự tin của cả một tập thể lớn dần sau mỗi cú sốc mà các đội nhược tiểu tạo ra ở CAN 2010, và sự tự tin của cá nhân thủ môn đang chơi cho Le Mans cũng lớn dần lên sau mỗi pha cản phá thành công.
Khoảng cách về trình độ giữa Cameroon và Gabon đã từng bước bị thu hẹp như thế. Trong khi Gabon càng đá càng tỉnh táo và sắc bén, thì nỗi ám ảnh từ những cú vấp ngã của Mali, Algeria, Bờ Biển Ngà khiến Cameroon lịm dần trong một nỗi sợ hãi vô hình. Eto`o, ngôi sao sáng nhất, đã phải chịu những áp lực không nhỏ từ một tuyên bố ngông cuồng: Tiền đạo CLB Inter đặt mục tiêu phá kỷ lục 9 bàn trong một kỳ CAN mà chân sút Mulamba Ndaye (Congo) lập năm 1974. Daniel Cousin chẳng tuyên bố gì hết, và khi cặp trung vệ Song – N`Koulou “mớm” bóng cho anh, chân sút của Hull City đã ghi bàn với tâm lý thoải mái nhất có thể.
Một sự trùng hợp: Sau sự kiện ĐT Togo bị xả súng, các “đại gia” cứ lần lượt gục ngã, và có thể đặt một giả thiết chủ quan là những đôi chân triệu phú của các ĐT Mali, Cameroon, Algeria đã cố tình chơi dưới phong độ để “xong sớm, về sớm”? Giả thiết ấy hợp lý ở chỗ: Tên tuổi của những Eto`o, Drogba...đã vang danh khắp thế giới, và tương lai của họ không nằm ở một lục địa đói nghèo như châu Phi. Trong khi đó, rất nhiều cầu thủ của Gabon, Malawi hay Burkina Faso vẫn mòn mỏi chờ đợi những sân khấu lớn như CAN để nỗ lực bước ra ánh sáng...