Không chấp nhận cách làm việc quan liêu, máy móc

Xã hội - Ngày đăng : 06:54, 15/01/2010

Dự án mở rộng QL 32 phải GPMB xong trong tháng 11-2009, đến nay vẫn ách tắc * Trong 56 dự án các công trình chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, mới có 23 dự án hoàn thành toàn bộ việc GPMB (HNM) - Tại buổi họp nghe báo cáo về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) các công trình trọng điểm và các dự án phục vụ Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tổ chức ngày 14-1, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo chỉ đạo: Phải coi công tác GPMB là khâu đột phá.

Đẩy nhanh tiến độ GPMB là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố trong những tháng đầu năm 2010. Ảnh: Đàm Duy


Nhiều dự án trọng điểm vẫn ách tắc vì vướng mặt bằng

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo GPMB TP, đến hết tháng 12-2009, trong tổng số 56 dự án, công trình trong danh mục các công trình chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đã có 23 dự án hoàn thành GPMB; 18 dự án hoàn thành bàn giao một phần diện tích theo phân kỳ đầu tư. Một số dự án đã hoàn thành trước Đại lễ như cầu Vĩnh Tuy, đường Lạc Long Quân, cầu Thanh Trì, Bảo tàng Hà Nội, Trung tâm Đào tạo vận động viên cấp cao, Công viên Hòa Bình, chợ Nghệ - Sơn Tây… Đối với các công trình trọng điểm khác của Chính phủ và TP, đã có 10 dự án xong GPMB và bàn giao một phần theo phân kỳ đầu tư, với tổng diện tích đất đã bàn giao là 229,9ha, đáp ứng tiến độ theo yêu cầu như: Trường Cao đẳng Nghề Việt - Hàn, đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, quốc lộ 3 (Hà Nội - Thái Nguyên)…

Ông Nguyễn Đức Biền, Trưởng ban Chỉ đạo GPMB TP cho biết, các dự án vướng mắc nhất về GPMB phải kể đến cầu Nhật Tân, Nhà ga hành khách T2 Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài, đường nối cầu Nhật Tân đến Nhà ga T2, đường Văn Cao - Hồ Tây, đường Lê Văn Lương kéo dài, đường 32, đường Láng - Hòa Lạc… Vướng mắc chung tại một số dự án là vấn đề cơ chế, chính sách đền bù, hỗ trợ GPMB thay đổi đã ảnh hưởng tới tiến độ. Một số dự án khác vướng do chưa có quỹ nhà tái định cư. Song cũng phải nói rằng, tiến độ lập, phê duyệt phương án GPMB của một số quận, huyện còn chậm. Như dự án mở rộng đường 32 đoạn Mai Dịch - Cầu Diễn chỉ còn tồn tại 0,6ha đất (liên quan đến 75 kiốt và 116 hộ đất ở). Mặc dù TP đã chỉ đạo UBND quận Cầu Giấy phải GPMB xong trong tháng 11-2009 nhưng đến nay vẫn tắc. Đây cũng là tình trạng chung tại không ít địa phương. Do đó, TP yêu cầu các quận, huyện và đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ GPMB phục vụ thi công.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng, tiến độ triển khai các dự án giao thông do Bộ làm chủ đầu tư trên địa bàn TP chậm tiến độ có nguyên nhân một phần từ ách tắc trong khâu GPMB. Có những dự án đã lên kế hoạch khởi công nhưng phải lùi lại vì không có mặt bằng. Bộ GTVT đề nghị Hà Nội tập trung quyết liệt cho công tác này.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ GPMB

Thừa nhận công tác GPMB một số dự án chưa đạt yêu cầu tiến độ, song cũng có ý kiến cho rằng, không ít chủ đầu tư (trong đó có các đơn vị trực thuộc Bộ GTVT) còn chưa làm tốt trách nhiệm trong công tác bồi thường, GPMB sau khi được Nhà nước giao đất để thực hiện các công trình trọng điểm; chưa chủ động phối hợp với chính quyền địa phương; có dự án đã được bàn giao mặt bằng từ lâu nhưng thi công chậm, gây bức xúc trong dư luận.

Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh nhấn mạnh: Cần nghiêm túc nhìn nhận, tại một số dự án, sự phối hợp giữa các sở, ngành với chính quyền địa phương còn chưa tốt. Ngay cả cung cách phối hợp giữa phường với quận, giữa xã với huyện còn lỏng lẻo, dẫn tới khâu điều tra, lên phương án đền bù, GPMB chậm. Hạn chế này cần sớm được chấn chỉnh.

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo khẳng định: Công tác bồi thường, GPMB là đặc biệt quan trọng. Các sở, ngành, quận, huyện và chủ đầu tư phải coi đó là khâu đột phá, tạo tiền đề để phát triển hạ tầng giao thông đô thị và là động lực cho phát triển KT-XH của Thủ đô. Đây là công việc rất khó khăn và ngày càng phức tạp. Thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều cố gắng trong công tác GPMB, tạo quỹ đất cho phát triển giao thông, đô thị. Tuy nhiên, công tác GPMB tại một số nơi còn chưa đạt yêu cầu, làm ảnh hưởng tới tiến độ chung toàn dự án. Đặc biệt là tại các dự án phục vụ Đại lễ, công trình trọng điểm của quốc gia và TP. Nguyên nhân cơ bản là cơ chế, chính sách liên quan còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ. Nhiều văn bản sau khi ban hành chưa kịp đi vào cuộc sống đã lại thay đổi. Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân bị thu hồi đất còn chưa đúng, chưa tốt. Bên cạnh đó, không ít địa phương và các chủ đầu tư trong quá trình thực thi nhiệm vụ còn thiếu chủ động, thậm chí máy móc, quan liêu… Những điều này đã trở thành rào cản cho quá trình triển khai các công trình, dự án. Do đó, thời gian tới, nhiệm vụ trọng tâm của các sở, ngành, quận, huyện và chủ đầu tư là phải tập trung đẩy nhanh tiến độ GPMB, nhất là với các dự án hạ tầng giao thông phục vụ Đại lễ kỷ niệm 1000 năm và công trình trọng điểm của quốc gia, TP. Thời gian đến ngày Đại lễ không còn nhiều, vì vậy, các cơ quan liên quan phải bám sát tiến độ để có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Về quỹ nhà tái định cư, TP giao Sở Xây dựng khẩn trương tập trung đầu tư xây dựng, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu GPMB.

Bên cạnh đó, cần có chế độ bảo trì, bảo dưỡng quỹ nhà tạm cư để phục vụ người dân, tránh để tình trạng đưa dân về tạm cư nhưng lại thiếu điện, thiếu nước.

Chủ tịch UBND TP cũng lưu ý các cơ quan trong quá trình thực thi nhiệm vụ, khi giải quyết các thủ tục phải đúng luật nhưng cũng cần linh hoạt, thông thoáng; phải công khai, minh bạch, thực hiện đúng cơ chế dân chủ ở cơ sở, lắng nghe ý kiến của dân để có biện pháp tháo gỡ kịp thời.

Tuấn Lương