Những bước đi mạnh mẽ, cụ thể

Văn hóa - Ngày đăng : 06:50, 15/01/2010

(HNM) - Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam đã bế mạc. Có thể còn đôi chút tiếc nuối, nhưng dư âm sâu đậm nhất là niềm vui gặp gỡ và những khám phá thú vị chắc hẳn vẫn sẽ lưu lại trong đông đảo nhà văn, dịch giả, những người quan tâm đến lĩnh vực này. Điều đó sẽ thúc đẩy cho những nỗ lực tiếp theo trên chặng đường đưa văn học Việt ra thế giới một cách có hệ thống…

Bạn đọc nước ngoài tìm hiểu thơ Việt. Ảnh: Trần Thanh


Những bước đầu tiên
Điều đáng ghi nhận nhất sau hội nghị này là ta đã bước đầu giới thiệu được với bạn bè thế giới về thành tựu của một nền văn học suốt chiều dài 1.000 năm và nắm được cơ bản đội ngũ dịch giả trong nước, nước ngoài, kiều bào Việt Nam ở các nước.

Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, nhằm triển khai mạnh mẽ Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị, Nhà nước cũng đang chuẩn bị cho việc rà soát cơ chế, chính sách đẩy mạnh giao lưu văn hóa với nước ngoài qua một đề án, trong đó có vấn đề dịch thuật mà ta đang quan tâm. Sự thuận lợi này, cùng với kết quả bước đầu của hội nghị, tới đây Hội Nhà văn Việt Nam sẽ xây dựng đề án thành lập trung tâm dịch thuật.

Trước mắt, để các văn bản ký kết giữa Hội Nhà văn Việt Nam và đại diện các đơn vị dịch, giới thiệu văn học nước ngoài hiện hữu bằng tác phẩm trong đời sống, đòi hỏi những xúc tiến cụ thể và thường xuyên. Để mỗi năm, qua con đường này, sẽ có ít nhất 10 đến 15 tác phẩm thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn được dịch, giới thiệu ở các nước như mong muốn, không chỉ Hội Nhà văn mà bản thân các tác giả, dịch giả cũng cần vào cuộc. Mỗi mảng đều có những ưu thế nhất định, tuy nhiên, qua các cuộc tiếp xúc, dường như đối tác nước ngoài rất thích thú với truyện ngắn Việt Nam. Một tín hiệu vui của cả chặng khởi đầu…

Trao đổi hành lang
Không chỉ qua con đường Hội Nhà văn, nhiều đại biểu nhấn mạnh đến hiệu quả có tính lâu dài từ sau hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam, đặc biệt từ các cuộc trao đổi "hành lang", gồm những nỗ lực tìm kiếm và cả mối "duyên" gặp gỡ giữa nhà văn Việt Nam và dịch giả, NXB nước ngoài.

Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai - một người "thật đặc biệt" theo nhận xét của một dịch giả Mỹ, với kinh nghiệm 5 năm học truyền thông ở Ôxtrâylia, tiếng Anh văn học lưu loát, chị đã làm "bà mối" cho biết bao cuộc tiếp xúc, mà "quên" ngay việc giới thiệu thơ mình.

Trong đó dịch giả Pert Komers (CH Séc) đã hẹn chị sẽ tìm kiếm Bảo Ninh để dịch "Nỗi buồn chiến tranh" ra tiếng Séc; nhiều người nữa cũng sẽ trở lại Việt Nam để trao đổi việc dịch một số tác phẩm tiêu biểu của Bảo Ninh (điện thoại của Bảo Ninh những ngày qua luôn "nằm ngoài vùng phủ sóng"), Chị Catherine Coles (Ôxtrâylia) chuẩn bị thực hiện loạt phỏng vấn một số nhà thơ, nhà văn trẻ Việt Nam để làm tuyển tập. Tại hội nghị này, sau khi đọc 2 câu thơ của Nguyễn Trọng Tạo "Sông Hương hóa rượu ta đến uống/Ta tỉnh đền đài ngả nghiêng say" (Nguyễn Phan Quế Mai dịch). Catherine đang gấp rút làm việc với NXB ở Ôxtrâylia để kịp đưa hai câu này lên bìa của Tuyển thơ Việt Nam "Sông Hương" sắp ra mắt. Catherine cũng là người đang tìm kiếm Bảo Ninh để dịch tác phẩm "Thân phận tình yêu". Giám đốc NXB Trasten (Thụy Điển) đặc biệt quan tâm tới các nhà văn trẻ Việt Nam, ông đang chờ đợi những bản dịch tóm tắt về tác phẩm của một số cây bút, hoặc bản dịch thử một vài trang tác phẩm của họ.

Trao đổi với Hànộimới, dịch giả Hạ Lộ (giảng viên Khoa Đông Nam Á, Đại học Bắc Kinh) cho biết, sau hội nghị này, chị có thêm những thông tin, kinh nghiệm để dịch tốt hơn tác phẩm "Cánh đồng bất tận" của Nguyễn Ngọc Tư, một tác phẩm với ngôn ngữ văn học rất đặc trưng Nam bộ, giàu hình ảnh và khó dịch.

Không chỉ dịch, bạn văn nước ngoài còn rất nỗ lực trong việc giới thiệu, phát hành tác phẩm đã dịch của ta; với quan điểm rất rõ ràng "vì điều đó có ích cho độc giả và hoạt động xuất bản của chúng tôi". Ví dụ cụ thể là tập thơ "Ký ức mắt đen" của Nguyễn Trọng Tạo, hay "Cánh đồng người" của Trần Quang Quý và một số tác giả khác.

Bên cạnh đó, một con đường đáng kể giới thiệu văn học Việt hứa hẹn khả thi, ấy là đăng tải trên các báo chí văn học nước ngoài theo gợi ý của một đại biểu Đức. Một số tác phẩm của Phong Điệp, Nguyễn Ngọc Tú… đã dịch và đăng trên Vietnamnews sẽ được tiếp tục giới thiệu với độc giả nước ngoài qua truyền thông nước ngoài.

Tiếp tục những bước đi mạnh mẽ, cụ thể
Những trao đổi trên dẫu sao mới chỉ là "nhóm lửa", cần hơn cả là sự nỗ lực một cách liên tục từ những chính sách vĩ mô, cho tới nỗ lực trung gian của Hội Nhà văn và bản thân các nhà văn, dịch giả. Trong đó có nhiều đề xuất cụ thể rất đáng được quan tâm: phải hệ thống hóa những thông tin về dịch giả và các NXB; bổ nhiệm cán bộ chuyên trách có ngoại ngữ, tâm huyết với văn học ở Hội Nhà văn làm đầu mối duy trì liên hệ với nước ngoài; hỗ trợ xuất bản các tác phẩm tiêu biểu… Nói như dịch giả Hilary Watts (Mỹ), phải tạo nên chất xúc tác, một tia lửa để thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế - một điểm bùng phát.

Với những bước đi cụ thể, liên tục và kiên trì, chắc chắn con đường giới thiệu văn học - phần sâu sắc của gương mặt văn hóa Việt Nam - ra thế giới sẽ ngày một rộng mở hơn.

Thi Thi