"Bí mật phía sau nhục thân của các vị thiền sư"
Văn hóa - Ngày đăng : 06:47, 15/01/2010
Với hơn 200 trang (khổ 21x29,7cm), tác giả đưa người đọc cùng trải qua hành trình đặc biệt hấp dẫn. Đúng như lời Hòa thượng Thích Thanh Tứ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam viết trong lời giới thiệu: "Cuốn sách "Bí mật phía sau nhục thân của các vị thiền sư" của PGS-TS Nguyễn Lân Cường đã đưa lại cho chúng ta nhiều thông tin rất có giá trị về mặt khoa học nhân chủng, văn hóa và tâm linh. Từ những câu chuyện mô tả về những công trình thực tiễn khi tiến hành tu bổ di hài nhục thân của các thiền sư, PGS-TS Nguyễn Lân Cường đã đề xuất một phương thức độc đáo giữ gìn nhục thân sau khi viên tịch vốn chỉ có trong đạo Phật mà thôi, gọi là thiền táng hay tượng táng. Qua đây (…) cũng gợi mở cho chúng ta nhiều điều kỳ thú về những ngôi cổ tự làm sống dậy tinh thần của Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc".
Bạn đọc có thể trải nghiệm cùng TS Nguyễn Lân Cường trong hành trình tu bổ hai pho tượng Thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường ở chùa Đậu, huyện Thường Tín từng bị nước lụt hủy hoại năm 1893. Rồi tiếp đó là câu chuyện tu sửa tượng Thiền sư Như Trí chùa Tiêu Sơn, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Cùng với đó là một phát hiện chưa từng thấy trước đó về phương thức giữ nhục thân của thiền sư ở tư thế ngồi thiền, lưng thẳng, đầu thẳng, bằng các tấm đồng sau lưng, trước ngực và những dải băng bằng đồng cuốn ngang dọc trên đầu, quanh cổ, vòng từ nách vắt qua vai (trang 106-107). Qua nghiên cứu, ông còn biết, khi ướp, nội tạng nhà sư được để nguyên. Đây là một phương thức độc đáo chưa thấy có ở đâu trên thế giới.
Từ 133 mảnh xương và 209 mảnh bồi tìm thấy trong lòng tháp Báo Nghiêm ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh), khớp nối với tư liệu và lời kể khác, TS Nguyễn Lân Cường khẳng định, trước đây tại chùa "có khám thờ tổ đệ nhất bó cốt làm tượng", đó là Thiền sư Chuyết Chuyết. Sau đó, ông cùng nhà điêu khắc Bùi Đình Quang, các họa sĩ Đào Ngọc Hân và Nguyễn Đình Hiển miệt mài trong ba tháng phục dựng thành công pho tượng Thiền sư Chuyết Chuyết ở chùa Phật Tích. Phương thức phục dựng pháp thân Thiền sư Chuyết Chuyết qua 8 công đoạn là khá độc đáo, khác hẳn cách ướp xác của Ai Cập thời cổ.
"Bí mật phía sau nhục thân các vị thiền sư" của PGS-TS Nguyễn Lân Cường không chỉ hấp dẫn bởi tác giả là "người trong cuộc", đề tài thú vị, mà hơn thế còn bởi lối kể chuyện mềm mại, có duyên của ông.
Trong lời cuối sách, PGS-TS Cao Xuân Phổ viết: "Tôi thực sự bị cuốn hút từ trang đầu đến trang cuối. Phải chăng PGS-TS Nguyễn Lân Cường vì vừa là nhà khoa học lại vừa là một nhạc sĩ nên những trang viết của ông đầy ắp tư liệu lại man mác chất thơ. Có thể khẳng định cuốn sách "Bí mật phía sau nhục thân các vị thiền sư" là một công quả đáng trân trọng đóng góp vào di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam, là món quà bổ ích chào đón kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội".