Không còn là giấc mơ

Xã hội - Ngày đăng : 06:49, 14/01/2010

(HNM) - Từ năm 2010, nhiều dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp (KCN) sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Theo kế hoạch, đến năm 2015, Hà Nội sẽ xây dựng khoảng 7,5 triệu mét vuông nhà ở xã hội, đáp ứng 50-60% nhu cầu cho các đối tượng trên, với tổng mức đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng.


Nhiều dự án nhà ở xã hội đã triển khai

Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị Hà Nội (HUD) triển khai xây dựng các dự án chung cư cho người thu nhập thấp tại Khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên. 
Ảnh: TTXVN


Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong năm 2010, 800 căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp xây dựng thí điểm tại khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên) sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Dự kiến, giá thành xây dựng nhà ở này khoảng 4 triệu đồng/mét vuông sàn, do vậy giá bán căn hộ 50m2 sẽ khoảng 200 triệu đồng, thấp hơn rất nhiều lần so với thị trường. Các căn hộ ở đây có diện tích 35m2, 45m2, 50m2 và 60m2, được bán hoặc cho thuê theo quy mô gia đình, trước mắt ưu tiên cho cán bộ, công chức có nhu cầu cấp bách về nhà ở. Ngoài nhà ở cho người thu nhập thấp, trong năm 2010, đầu năm 2011, Hà Nội cũng sẽ đưa vào sử dụng hàng loạt nhà ở tập trung cho học sinh, sinh viên tại Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hoàng Mai), Mỹ Đình II (Từ Liêm) và Đồng Mai (Hà Đông). Các dự án trên đều có quy mô lớn, có thể đáp ứng chỗ ở cho hơn 30.000 học sinh, sinh viên một số trường đại học, cao đẳng trên địa bàn. Chưa kể, cuối năm 2009, một số trường cũng đã khởi công xây dựng ký túc xá cho học sinh, sinh viên của mình.

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện có khoảng 5% số hộ khu vực đô thị có nhu cầu cấp bách về nhà ở. Trong khi đó, chỉ khoảng 15-20% trong tổng số 800.000 học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP có chỗ ở tại ký túc xá. Tương tự, hầu hết công nhân đang làm việc tại các KCN cũng phải thuê trọ khu vực xung quanh, với điều kiện vật chất, tinh thần rất thấp. Vì vậy, bằng việc tập trung đầu tư xây dựng quỹ nhà ở xã hội, Hà Nội phấn đấu đến năm 2015 xây dựng thêm 4,5 triệu mét vuông sàn nhà ở (tương đương 75.000 căn hộ) đáp ứng chỗ ở cho khoảng 60% học sinh, sinh viên; khoảng 1,6 triệu mét vuông sàn nhà ở (tương đương 28.000 căn hộ) để đáp ứng chỗ ở cho 50% công nhân các KCN và từ 1,1 đến 1,5 triệu mét vuông nhà ở cho người thu nhập thấp tại đô thị (mỗi căn hộ cho người thu nhập thấp có diện tích bình quân 70m2).

Nhà nước phải là chủ lực

Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Thủ đô Bùi Tâm Trung cho rằng, thời gian qua việc giải quyết nhà ở xã hội vẫn rất chậm là do trong cơ chế thị trường hầu như các đơn vị đầu tư đều đặt mục đích lợi nhuận lên hàng đầu. Do đó, để đạt được mục tiêu xây dựng nhà ở xã hội, nên giao cho đơn vị của Nhà nước làm chủ đầu tư, quản lý và khai thác không vì mục tiêu lợi nhuận. Nhà nước nên thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện các chính sách phát triển nhà ở xã hội; Nhà nước tham dự với vai trò liên kết nhà đầu tư, cơ quan tài chính (nơi đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu) trong việc cấp vốn hỗ trợ. "Nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa phải chăng được thể hiện trong cách giải quyết những vấn đề quốc kế dân sinh, đem lại lợi ích cho đa số nhân dân về nhà ở, sức khỏe, học hành" - ông Trung nói.

Bên cạnh đó, các chuyên gia còn lưu ý những vấn đề về quy hoạch, kiến trúc, quản lý... Chẳng hạn, hiện nay TP chưa dành riêng quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội mà lấy từ quỹ đất 20% của các khu đô thị mới. Với tiêu chuẩn thiết kế diện tích tối thiểu 4m2/người, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất bằng 1,5 lần quy chuẩn, số tầng cao không hạn chế trên phạm vi chỉ có 20% diện tích của khu đô thị sẽ dẫn đến việc không hài hòa trong quy hoạch toàn khu. Mặt khác, với quy mô dân số tăng gấp 2 lần so với quy mô dân số chung làm cơ sở tính công suất hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật khiến cho việc đấu nối với hạ tầng khu vực và hạ tầng ngoài phạm vi dự án hết sức khó khăn. Về quản lý nhà ở cho sinh viên, có ý kiến cho rằng nên giao cho Thành đoàn hoặc Hội Sinh viên lập đơn vị quản lý, khai thác, vì dùng đơn vị đại diện cho quyền lợi sinh viên để quản lý sinh viên dễ tạo nên sự đồng thuận, hơn nữa tạo động lực để Hội và Thành đoàn đẩy mạnh hoạt động thay vì giao cho đơn vị quản lý của cả khu đô thị vì mô hình này khó tạo được sự đồng nhất về cơ chế (do mỗi khu đô thị có 1 chủ đầu tư khác nhau). Hơn nữa, trong tương lai, khi không dùng quỹ đất 20% để xây nhà sinh viên sẽ khó xác định được đơn vị quản lý, khai thác.

Khánh Khoa