Hãy là người trong cuộc
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:55, 14/01/2010
Lấy ví dụ, vừa rồi ở Hà Nội diễn ra một lễ hội lớn. Ngay từ khi họp báo, giới thiệu về lễ hội này, một số người đã kêu ca, phàn nàn. Thì sách Nho có câu "Sĩ, tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc" (nghĩa là: Người trí thức, lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ). Những lo ngại đó đóng góp cho các nhà quản lý, các nhà tổ chức, tốt quá đi chứ. Bài học về những điều chưa được của Lễ hội Hoa năm trước còn nóng hổi đấy thôi. "Hâm nóng" lại cũng là một cách giúp các nhà tổ chức, các nhà quản lý tìm ra biện pháp khắc phục những bất cập, tạo nên sự thành công cho một sự kiện văn hóa - đặc biệt đó lại là sự kiện mở màn cho năm Đại lễ - Hà Nội tròn nghìn tuổi.
Nhưng chuyện không chỉ có vậy ! Mấy ngày diễn ra lễ hội đã có gần 3 triệu lượt du khách tham quan. Không chỉ đông về số lượng, cảm hứng chung của người Hà Nội cùng du khách cả nước và bạn bè quốc tế là ấn tượng tốt đẹp về sự thành công của sự kiện văn hóa quan trọng này. Vậy nhưng, đi ngược lại dư luận chung của xã hội, một số người lại tiếp tục có ý kiến. Trong khi không gian, nội dung trưng bày được công chúng đánh giá cao về sự hợp lý cũng như chất lượng mỹ thuật, đặc biệt là ý thức của người dân tham gia lễ hội đã có những chuyển biến tích cực, để không mang tiếng với bạn bè bốn phương về truyền thống thanh lịch của người Tràng An; thì họ lại cho rằng dường như làm nông thôn hóa lễ hội, đem đất cát về đắp ao chuôm, làm ruộng lúa... Cách nói "lấy được", có màu sắc cố tình "kiếm chuyện" đó đã khiến nhiều người suy nghĩ, đặt câu hỏi. Có vẻ như khi nói họ "quên" mất một điều, nét đặc trưng của Việt Nam là nền văn minh lúa nước, tiêu biểu là nền văn minh sông Hồng, vậy nên cái mà họ "chê" chính là sự thành công, là ấn tượng của lễ hội về những nét truyền thống đặc sắc...
Lại một ví dụ khác về cách nói, ấy là chuyện cụ rùa hồ Gươm. Nhiều người cho rằng, mỗi khi cụ nổi là sự báo hiệu điềm lành. Người ta còn thống kê và đưa ra kết luận, cụ luôn nổi vào những dịp lễ trọng của Hà Nội, của đất nước. Và cũng từ đó có không ít huyền tích về cụ rùa, đáng yêu và đáng tự hào. Nhưng lại có ý kiến cho rằng cụ nổi là do nước hồ Gươm ô nhiễm nặng quá làm cụ khó thở... Rồi việc thí điểm nạo vét hồ Gươm, các vấn đề đều được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, hàng chục hội thảo khoa học được thực hiện để tìm ra giải pháp hợp lý nhất, khả thi nhất, các chuyên gia nước ngoài cùng phương tiện máy móc kỹ thuật hiện đại cũng vào cuộc, cùng tham gia, nhưng rồi vẫn có những "lời ra tiếng vào" không nhằm mục đích xây dựng. Vẫn biết sự phản biện là cần thiết, tuy nhiên, sự phản biện đó phải được đưa ra trên cơ sở khoa học và nhất là ở tâm thế của người trong cuộc, chứ không phải chỉ nói... cho vui.
Để thể hiện trách nhiệm, cái tâm của mình, trước khi đưa ra ý kiến hãy đặt mình là người trong cuộc, như thế, những vấn đề đặt ra mới mang tính chất xây dựng và có sự hài hòa trong phân tích, đánh giá những điều được, mặt tích cực và những khuyết điểm, bất cập tồn tại.
Hà Nội là trái tim của cả nước. Xin người Hà Nội và những người yêu Hà Nội đề xuất những ý kiến đóng góp xác đáng với tinh thần cùng chung tay xây dựng thành phố nghìn năm tuổi văn minh, hiện đại nhưng không mất đi những nét cổ kính, thơ mộng.