Xã Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức: Sai phạm nối tiếp sai phạm

Pháp luật - Ngày đăng : 06:51, 13/01/2010

(HNM) - Những sai phạm trong quản lý tài chính, đất đai của xã Hợp Thanh đã được UBND huyện Mỹ Đức thanh tra, kiểm tra, nhưng hầu hết các kết luận của huyện không được thực hiện và sai phạm mới tiếp tục phát sinh. Nhiều cán bộ đã bị xử lý kỷ luật, chịu án hình sự, còn người dân thì

Bên đường Sặt Lỏ, thôn Vài đã bị “xắn miếng” gần 50 suất để bán.


Hợp Thanh là xã thuộc diện nghèo của huyện Mỹ Đức, song nhiều năm qua tình hình nội bộ xã luôn bất ổn. Vào những năm 1989-1999, hưởng ứng phong trào làm đường giao thông nông thôn, chính quyền địa phương đã đưa ra những "kế sách" để có kinh phí. Từ quỹ đất II, cán bộ thôn và xã đã câu kết bán vô tội vạ, đấu thầu đất trái thẩm quyền, rồi gán đất lấy công trình... Hàng loạt hợp đồng thuê, giao thầu, đấu thầu đất đã được 5 thôn ký với hàng trăm hộ gia đình, với thời hạn từ 10 đến 40 năm, thậm chí là 100 năm... Trước những sai phạm đó, người dân đã làm đơn tố cáo và đã có 17 trường hợp phải ra trước vành móng ngựa, trong đó 11 người lĩnh án tù từ 3 đến 36 tháng.

Sau khi lớp lãnh đạo cũ bị xử lý hình sự, một loạt cán bộ thôn, xã mới lên thay. Nhiều cán bộ mới cũng lại "học" theo cung cách cũ. Vẫn với "chiêu" đổi đất lấy công trình, nhiều trục đường làng, thôn, xóm, nhà văn hóa... được bê tông hóa khang trang bằng nguồn tiền bán đất. Không quy hoạch, không có kế hoạch sử dụng đất, cũng không cần nghị quyết của Đảng ủy, HĐND... các thôn đã tự ý bán đất cho dân để thu tiền xây dựng các công trình phúc lợi công cộng. Khoảng 140ha đất nông nghiệp đã bị các thôn cho đấu thầu, cho thuê và bán trái thẩm quyền, trong đó có nhiều hợp đồng đang bị sử dụng sai mục đích. Ông Phạm Ngọc Tôn, nguyên Bí thư Đảng ủy xã (giai đoạn 1991-1998) trở thành "đại địa chủ" khi trúng thầu khoảng 100ha ruộng và hiện vẫn đang sử dụng số diện tích trên.

Chỉ trong vòng 2 năm 2006, 2007, ông Nguyễn Ngọc Điệp, Trưởng thôn Ải đã tự ý khoanh vùng, biến đất nông nghiệp thành đất ở và bán 51 suất cho người dân (mỗi suất từ 120-150m2). Trong số những người được ông Điệp bán đất, hiện vẫn còn 7 người chưa được nhận đất, mặc dù đã nộp tiền. Ông Nguyễn Văn Duân, quyền Chủ tịch UBND xã Hợp Thanh lý giải: Thôn đã nhận tiền của người dân và đã chi hết vào các công trình, còn việc giao đất cho người dân đã bị huyện "phanh" lại, do đây là việc làm sai của thôn. Để "chữa cháy" cho những sai phạm của các cấp chính quyền, ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Từ năm 1999 đến nay, UBND huyện, Công an tỉnh Hà Tây (cũ)... đã 7 lần ra quyết định, kết luận nhưng hầu như chưa có quyết định, kết luận nào được thực hiện, hoặc chỉ được thực hiện nửa vời; do đó sai phạm cũ tiếp tục "đẻ" ra sai phạm mới.

Những dữ liệu, hồ sơ, quyết định, kết luận của các giai đoạn trước cũng không hề được bàn giao cho chính quyền lâm thời... Khi được hỏi về số tiền các thôn đã thu được từ việc bán đất, ông Duân và ông Hiếu đều không nắm rõ, dao động ở mức vài trăm nghìn đến vài triệu đồng/suất, thậm chí có người còn được biếu không? Việc thống kê chính xác thời hạn và số lượng các hợp đồng thôn, xã cho thuê, đấu thầu cũng nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền, song theo nhận định của ông Hiếu, khoảng 1.000 hợp đồng đã bị làm sai.

Trao đổi với phóng viên báo Hànộimới, cán bộ các phòng, ban chức năng của huyện Mỹ Đức: Tài nguyên - Môi trường, Thanh tra, Văn phòng Huyện ủy... đều thừa nhận đơn người dân phản ánh là có cơ sở và người dân phải chịu nhiều thiệt thòi từ cách làm sai của chính quyền. Tháng 6-2009, Huyện ủy, UBND huyện đã thành lập đoàn công tác do ông Lê Văn Tâng, Phó Bí thư Huyện ủy làm Trưởng đoàn để kiểm tra các vấn đề về tài chính, đất đai của xã Hợp Thanh, nhưng đến nay cũng chưa có kết quả. Lãnh đạo các ban, ngành của huyện Mỹ Đức đều cho rằng, đây là tồn tại cũ, rất khó giải quyết, bởi nếu làm đúng quy định, thu hồi diện tích đất đã bị sử dụng sai mục đích thì tình hình địa phương khó giữ được ổn định. Hơn nữa, tiền dân nộp đều đã biến thành công trình, người dân đã xây nhà ở trên đất đó... lấy nguồn nào để trả cho họ. Trước mắt, huyện sẽ rà soát tổng thể, khoanh vùng thời điểm vi phạm và căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất của địa phương để có phương án xử lý.

Việc những quyết định, kết luận của UBND huyện Mỹ Đức về những sai phạm ở xã Hợp Thanh không được thực hiện đầy đủ cho thấy sự thiếu trách nhiệm, xử lý không kiên quyết, triệt để của chính quyền địa phương. Người dân xã Hợp Thanh đang chờ đợi một sự thanh lọc mới, công khai và một chế tài đủ mạnh của lãnh đạo, nhằm ổn định tình hình tại đây, tránh khiếu kiện vượt cấp, kéo dài.

Thiện Mỹ