Sẽ có phương án thỏa đáng về mọi phương diện
Giáo dục - Ngày đăng : 06:05, 13/01/2010
Trường Hà Nội - Amsterdam ở vị trí cũ hiện nay. Ảnh: Huyền Linh
Là công trình trọng điểm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, được khởi công ngày 19-5-2008, tại Khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy), trên khu đất rộng 5ha, dự án xây dựng Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam có tổng kinh phí đầu tư 429 tỷ đồng. Khi hoàn thành, trường có quy mô 45 lớp học, với 1.800 học sinh chuyên hệ THPT học cả ngày, bao gồm nhiều khu chức năng phục vụ công tác quản lý, điều hành, giảng dạy, học tập, nâng cao thể chất của thầy và trò nhà trường. Trong đó, có thêm 9 phòng đào tạo đội tuyển học sinh giỏi, 1 giảng đường 200 chỗ, các phòng thực hành thí nghiệm, tin học, nghe nhìn, 14 phòng học bộ môn và phòng học âm nhạc. Khu thể dục thể thao gồm nhà thi đấu theo tiêu chuẩn... Bên cạnh đó còn có các phòng nghỉ trưa, sinh hoạt ngoài giờ cho giáo viên dạy cả ngày, khu lưu trú, nhà nghỉ bán trú, ký túc xá cho học sinh, nhà bếp, nhà ăn, vườn thực nghiệm khoảng 1.000m2…
- Như ông vừa cho biết thì đây là dự án xây cơ sở mới cho Trường Hà Nội - Amsterdam?
- Khi xây dựng dự án, ý tưởng của Sở GD-ĐT Hà Nội là xây một ngôi trường đủ các điều kiện để đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi cho Thủ đô, điều mà Trường Hà Nội - Amsterdam hiện nay chưa bảo đảm được do diện tích đất đai chật hẹp, được xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước nên không còn phù hợp với yêu cầu hiện tại và tương lai. Lãnh đạo thành phố đã rất ủng hộ chủ trương này và cho rằng vào dịp tròn nghìn năm tuổi, Thủ đô có một ngôi trường xứng tầm, do trí tuệ, công sức, nhân tài vật lực của người dân Hà Nội xây dựng lên thì thực sự có ý nghĩa. Khi ấy, chúng tôi cũng đã nghĩ đến vấn đề tên trường, tuy nhiên cũng chưa có quyết định cuối cùng vì phải cân nhắc thấu đáo nên dự án vẫn mang tên dự án xây dựng Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam để kịp triển khai nhằm đạt mục tiêu vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô sẽ có một ngôi trường đẹp, hiện đại được xây dựng bằng nội lực để đào tạo nhân tài. Tôi cho rằng, xây dựng một ngôi trường nhằm mục đích đào tạo học sinh chuyên trên cơ sở một trường chuyên cũng là điều bình thường.
- Vậy theo ông, việc giáo viên, học sinh các thế hệ đã và đang dạy và học ở ngôi trường đã có thương hiệu không chỉ trong nước mà cả trên thế giới phản đối việc đổi tên trường là việc bất bình thường?
- Trước hết, tôi xin khẳng định, chưa có quyết định gì về tên trường. Bởi công trình hiện chưa hoàn thành và việc trường mới có mang tên Hà Nội - Amsterdam hay mang tên khác sẽ phụ thuộc vào phương án tổ chức và cần phải được bàn bạc, xem xét thấu đáo trên mọi phương diện, trong đó có cả về lịch sử, truyền thống, uy tín và danh hiệu của trường. Giáo viên học sinh của Trường Hà Nội - Amsterdam tự hào và quý trọng uy tín, danh hiệu của trường là việc bình thường và rất đáng trân trọng. Ngành GD-ĐT Hà Nội cũng tự hào về cái tên đó và uy tín, danh hiệu "Ams" như mọi người quen thuộc không chỉ do các thầy cô, học sinh nhà trường xây dựng nên mà còn là kết quả của sự quan tâm, đầu tư của thành phố, của ngành, của cha mẹ học sinh và toàn xã hội.
Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, mọi việc đều có tính lịch sử; việc đặt tên trường cũng phải phù hợp với giai đoạn lịch sử nhất định. Như trên tôi đã nói, ngôi trường mới xây mang tên gì sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, nhất là phương án tổ chức trường mới thế nào. Nếu chuyển toàn bộ Trường Hà Nội - Amsterdam hiện nay sang trường mới mà không giữ tên cũ thì là đổi tên, nhưng nếu không triển khai theo phương án đó thì lại là đặt tên mới. Song dù theo phương án nào thì chúng tôi cũng sẽ bàn bạc cụ thể và cân nhắc kỹ trước khi trình thành phố quyết định. Tôi cho rằng, với truyền thống hiếu học của người dân Thủ đô, với sự quan tâm của thành phố, với điều kiện cơ sở vật chất hiện đại, thì dù mang tên gì, trường chuyên của Hà Nội cũng sẽ có uy tín và danh hiệu, xứng với mảnh đất nghìn năm văn hiến.
- Xin cảm ơn ông!