Điểm tựa cho mục tiêu thiên niên kỷ

Kinh tế - Ngày đăng : 07:20, 12/01/2010

(HNM) - Từ khi mở cửa hội nhập đến nay, Việt Nam đã đạt những thành tựu to lớn, tốc độ tăng trưởng cao. Tuy vậy, nền kinh tế vẫn chứa đựng nhiều yếu tố phát triển không bền vững, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và tính cạnh tranh chưa cao.


Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang chuyển từ xã hội công nghiệp sang xã hội thông tin và tri thức, nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ tụt hậu xa hơn so nhiều nước trên thế giới và khu vực. Để tránh khỏi nguy cơ này, đòi hỏi Việt Nam phải xây dựng được một nền kinh tế tri thức thật sự. Muốn vậy, ngay từ bây giờ cần phải có một chiến lược quốc gia về vấn đề này.

Dây chuyền sản xuất tại Công ty Máy tính CMS. Ảnh: Nguyệt Ánh


Công cụ hữu hiệu tránh nguy cơ tụt hậu

Kinh tế tri thức là một nền kinh tế được xây dựng trên cơ sở đẩy nhanh sự phát triển của khoa học, công nghệ ở mọi lĩnh vực của cuộc sống. Theo ông Andrew Steer, nguyên Giám đốc World Bank tại Việt Nam, kinh tế tri thức chỉ là một phần của xã hội tri thức, trong đó mọi người đều có thể tiếp cận, sử dụng tri thức chung của toàn nhân loại để phục vụ cho công việc và cuộc sống của mình. Trong xu thế phát triển mới của thời đại tri thức đang trở thành yếu tố quan trọng nhất. Chính lĩnh vực kinh tế này đang là hạt nhân tổ chức, kết nối và thúc đẩy nhằm đổi mới mọi hoạt động của sản xuất, đời sống. Ngày nay, lợi thế cạnh tranh cho các tổ chức kinh tế không còn là đất đai, vốn hay công nghệ như trước, mà là khả năng nắm giữ tri thức và sử dụng hiệu quả lượng tri thức đó. Muốn có kinh tế tri thức, trước hết phải thực hành quản trị tri thức trong từng cơ quan, doanh nghiệp (DN). Ở Việt Nam nhiều DN đã cải tiến quy trình làm việc, khai thác triệt để thế mạnh trí tuệ tập thể, không ngừng cải tiến, đưa ra những sản phẩm phù hợp với xu thế phát triển của thời đại nhằm thống lĩnh thị trường.

Với mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp, ngay từ Đại hội lần thứ X, Đảng ta đã chỉ rõ: “Tranh thủ cơ hội thuận lợi do bối cảnh quốc tế tạo ra và tiềm năng, lợi thế của nước ta để rút ngắn quá trình CNH-HĐH đất nước theo định hướng XHCN gắn với phát triển kinh tế tri thức, coi kinh tế tri thức là yếu tố quan trọng của nền kinh tế và CNH-HĐH. Phát triển mạnh các ngành và sản phẩm kinh tế có giá trị gia tăng cao dựa nhiều vào tri thức; kết hợp việc sử dụng nguồn vốn tri thức của con người Việt Nam với tri thức mới nhất của nhân loại”. Theo nhận định của các nhà chiến lược, lợi thế của Việt Nam là có thể bỏ qua các thế hệ công nghệ trung gian để đi ngay vào các công nghệ tiên tiến, công nghệ cao. Điều này đã được chứng minh trong lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT). Trong bài phát biểu lễ khai mạc Diễn đàn CNTT thế giới lần thứ tư tại Việt Nam, Phó tổng Thư ký Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) Houlin Zhao đã thừa nhận, CNTT-TT Việt Nam là “một sự phát triển đáng kinh ngạc”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định, CNTT giúp Chính phủ nâng cao năng lực quản lý điều hành, người dân dễ dàng tiếp cận với thông tin và tri thức, DN giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Phát triển kinh tế tri thức ở nước ta là thực thi chiến lược phát triển dựa vào tri thức, vận dụng tri thức mới vào tất cả các ngành kinh tế, làm tăng nhanh giá trị của sản phẩm; giảm tiêu hao nguyên liệu và lao động; tăng hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm; dịch chuyển nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hóa. Mặc dù chậm hơn các nước đi trước một vài thập kỷ, nhưng Việt Nam xác định đây là công cụ hàng đầu để thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ, rút ngắn quá trình CNH-HĐH.

Những năm gần đây Việt Nam đã xuất hiện nhiều nhân tố mới về cách làm năng động, sáng tạo, dựa nhiều vào tri thức, như kinh doanh trên internet, các DN dựa vào sáng chế, công nghệ mới, DN CNTT, các khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao... PetroVietnam, VietinBank, Vinaconex, Agribank, SJC, DPM, Kinh Bắc City, Thaco, Gentraco, Cadivi, Công ty Máy tính CMS... là những đơn vị năng động, sáng tạo trong đổi mới sản xuất, kinh doanh, tiếp thu tri thức mới nên đã gặt hái được hiệu quả rõ rệt.

Các ngành công nghệ cao: Ưu tiên số 1

Đã đến lúc phải sử dụng tri thức mới để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các ngành, các vùng kinh tế mũi nhọn, tạo đà tăng trưởng cho toàn bộ nền kinh tế đất nước. Theo các nhà nghiên cứu, để phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam, một mặt phải biết tận dụng lao động, cơ sở vật chất hiện có, sử dụng tri thức mới, công nghệ mới để phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập; mặt khác phải biết đi thẳng vào hiện đại ở những khâu, những lĩnh vực, những ngành có lợi thế. Bên cạnh các ngành kinh tế mũi nhọn như CNTT-VT, năng lượng… cần đẩy nhanh CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn. Muốn vậy, ngay bây giờ phải đổi mới công tác đào tạo nhân lực, đưa tri thức sản xuất, kinh doanh, tri thức KHCN đến với người nông dân; xây dựng những khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; sử dụng công nghệ sinh học trong quá trình sản xuất nông nghiệp, làm gia tăng giá trị các mặt hàng nông - lâm - thủy sản.

Với công nghiệp và dịch vụ, phải tiếp thu tri thức mới để cải tiến công nghệ, đổi mới sản xuất, kinh doanh, tăng nhanh các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến dựa nhiều vào công nghệ mới, phát triển những sản phẩm có tính cạnh tranh cao. Cần hiện đại hóa nhanh các ngành dịch vụ như thương mại, du lịch, tài chính, ngân hàng... để trở thành những lĩnh vực kinh tế có hàm lượng tri thức lớn. Tập trung điều kiện để phát triển nhanh có chọn lọc các ngành kinh tế dựa vào tri thức và công nghệ cao, nhằm tạo những bước “nhảy vọt” của nền kinh tế. Việc phát triển các ngành công nghiệp mới cần đi thẳng vào những công nghệ tiên tiến nhất, nhằm cho ra sản phẩm có tính cạnh tranh cao, chiếm lĩnh được thị trường.

Với tinh thần đó, trong dự thảo chiến lược phát triển KT-XH Thủ đô đến 2030, tầm nhìn 2050, Hà Nội cũng ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao. Thành phố khuyến khích phát triển các ngành dịch vụ như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán; CNTT-TT, y tế, giáo dục - đào tạo... Với lĩnh vực nông nghiệp, Hà Nội chủ trương tiếp tục xây dựng các vùng chuyên canh, phát triển nông nghiệp đi đôi với ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tạo ra sản phẩm sạch phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Cẩm Bình