Vòng quay cuộc sống và áp lực đô thị
Văn hóa - Ngày đăng : 07:15, 12/01/2010
12 bức tranh dầu trên toan mô phỏng gương mặt người với tư thế kì dị. Mỗi bức là một nhân vật thuần Việt khá sinh động và gần gũi, nhưng họ cuộn trong hình khối cứng nhắc, khiến ai cũng phải co ro. Thành phố hiện lên là "Em bé với máy tính" buồn rười rượi, "Cô gái mặc áo xanh" ủ dột, "Đầu gấu" bí hiểm… Những sinh hoạt rất đời thường như "Ngủ", "Tắm", "Yêu nhau"… cũng bị bó chặt trong hình khối đơn điệu và khổ sở. Sự chật chội, bí bách khiến cho những hình ảnh lãng mạn như chơi hoa, tắm nắng cũng bị méo mó đi. Đó là thực tế của thành phố ta đang sống?
Gây ấn tượng nhất là 2 khối sắp đặt tượng chiếm không gian lớn của triển lãm. Ghép bằng những hình người mang gương mặt khắc khổ, dúm dó, mệt mỏi, một người máy khổng lồ được dựng lên sừng sững. Sự đối lập qua các hình ảnh con người sinh động và người máy vô cảm với tên gọi "Đổi dạng" tạo cảm giác mạnh đối với người xem. 30 em học sinh trong một "Lớp học phổ thông" với bộ đồng phục, khăn quàng đỏ rất ngây thơ nhưng đáng thương. Tóc nhuộm xanh đỏ, trang điểm lòe loẹt. Người quay lên, kẻ quay xuống. Đứa chúi mũi vào đồ chơi điện tử, đứa ngơ ngẩn với điện thoại…
Đã qua nhiều nước trên thế giới với các triển lãm cá nhân và nhóm ở Mỹ, Na Uy, Trung Quốc, Thụy Sĩ, Pháp… Phạm Ngọc Dương có sự tinh tế trong cách nhìn nhận nghệ thuật và sử dụng chất liệu sáng tạo. Anh cho biết, những chất liệu để làm sắp đặt này đều có ở Việt Nam. Từ vải, quần áo, tơ sợi, khăn quàng đỏ, cặp sách, kính cận, đồ chơi điện tử, điện thoại, trang sức kì dị… là cả một quá trình cất công sưu tầm và lắp ghép của Phạm Ngọc Dương. Sau đó, anh tạo hình khối bằng composite vuông cứng. Lao động miệt mài để hoàn thành ý tưởng trong hơn nửa năm, anh đem đến một triển lãm của nghệ thuật "nói quá" đáng giật mình.
Đối với Phạm Ngọc Dương, cuộc sống hiện đại là hình ảnh các thế hệ khác nhau được sinh ra và lớn lên trong khó khăn và chịu nhiều áp lực. "Những áp lực đến từ môi trường xã hội đang phát triển, với sự thiếu hụt tinh thần, vật chất, và cả những di chứng còn lại từ các cuộc chiến tranh… Chúng vô hình, nhưng vẫn thể hiện rất rõ trên khuôn mặt mọi người. Mô tả đầy đủ gương mặt mỗi cá nhân là một điều không thể. Vì vậy, tôi muốn tưởng tượng ra hình ảnh con người trong trạng thái bị áp lực", anh chia sẻ ý tưởng. Cuộc sống thành phố là nơi đâu cũng chịu áp lực chung của xu hướng đổ xô về thành thị mưu sinh khiến đất đai chật chội; của thói quen sống lạc hậu; của cách sống thiếu mục đích làm biến đổi diện mạo và đời sống con người.
Triển lãm là một cái nhìn thực tế và sòng phẳng về cuộc sống hiện đại của người họa sĩ. Cũng là cách cảnh báo không thừa với mỗi người đang cuốn mình trong phố thị…