Trúng mùa, được giá

Kinh tế - Ngày đăng : 07:02, 12/01/2010

(HNM) - Trong lúc nhiều địa phương gặp khó khăn khi làm vụ đông thì ở huyện Phú Xuyên, hơn 10 năm trở lại đây, trồng cây vụ đông đã trở thành


Làm chơi ăn thật

Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng đậu tương đang vào kỳ thu hoạch, lão nông Nguyễn Văn Hai, xã Tân Dân (huyện Phú Xuyên) cười tươi rói cho biết, vụ đông trước, dân làng mất trắng vì lũ lụt. Vụ này, dù thời tiết khắc nghiệt, khi gieo trồng bị ảnh hưởng cơn bão số 9 nhưng năng suất đậu tương, ngô và các loại rau màu khác vẫn đạt khá. Đặc biệt là cây đậu tương, đạt 60-70kg hạt/sào. Gia đình ông Nguyễn Văn Hai trồng 1 mẫu đậu tương, thu 7 tạ hạt thành phẩm, trừ chi phí được lãi 5 triệu đồng. Việc gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch cây đậu tương khá đơn giản, không mất nhiều công sức, vốn đầu tư thấp. Tuy nhiên, làm đậu tương phải đông người cùng làm, nếu chỉ một người làm sẽ mất trắng, nhưng nếu cây đậu phủ kín thì chắc chắn thu hoạch khá và đạt hiệu quả cao - ông Hai quả quyết. Chủ nhiệm HTX Phú Tân (xã Tân Dân) Phan Thanh Tiên là người có kinh nghiệm vận động, giúp đỡ xã viên trồng cây vụ đông cho biết, vụ đông 2009-2010 xã Tân Dân phủ kín 100% diện tích đất nông nghiệp (501ha) với các loại cây trồng chủ yếu là đậu tương, dưa chuột bao tử. Trong đó, đậu tương đạt năng suất bình quân từ 60kg/sào với lãi suất từ 300 đến 400 nghìn đồng/sào. Ngoài ra, 2ha dưa chuột bao tử trồng thử nghiệm cũng cho kết quả tốt với năng suất 1,5 tấn/sào, lãi gần 2 triệu đồng/sào.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Phú Xuyên, vụ đông năm 2009-2010 dù gặp mưa úng đầu vụ làm úng ngập gần 2.000ha đậu tương mới gieo; hạn hán gây khó khăn lúc tưới dưỡng, tỷ lệ nảy mầm thấp phải trồng lại hàng nghìn hécta… nhưng toàn huyện vẫn gieo trồng được gần 9.000ha cây vụ đông, trong đó riêng đậu tương là 8.054ha, đạt gần 100% kế hoạch. Đến thời điểm này, nhiều địa phương đã thu hoạch xong, năng suất đạt 17,5 tạ/ha. Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Đình Chiêu khẳng định, so với những năm trước, vụ đông 2009-2010 cho năng suất và giá trị kinh tế cao nhờ cơ cấu cây trồng phong phú; nhiều giống đậu tương năng suất cao được đưa vào sản xuất như ĐT96, ĐT2006, ĐVN6; kỹ thuật gieo trồng được áp dụng linh hoạt theo độ ẩm của đất, có phương pháp gieo trồng phù hợp, như tra gốc rạ, tra hốc, đánh rạch, gieo vãi… Công tác phòng trừ sâu bệnh, nhất là dịch sâu khoang gây hại trên cây đậu tương cũng được khắc phục, triệt để việc rút kinh nghiệm lịch gieo trồng đúng khung thời vụ và chăm bón cân đối phân N-P-K. Bí thư Đảng ủy xã Tri Trung Nguyễn Khắc Mâu cho biết, vụ đông này xã đã thành công khi thực hiện bón phân Đầu Trâu cho 2ha đậu tương. Kết quả cây đậu sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ phân nhánh và đậu quả cao (1 cây đạt từ 30 đến 40 quả so với bón loại phân khác chỉ đạt 17 đến 20 quả).

Thiếu nhà máy chế biến tại chỗ

Người trồng đậu tương ở Phú Xuyên bán được sản phẩm khá dễ dàng vì tư thương đến tận đầu bờ thu mua. Đậu tương thu hoạch đến đâu được tư thương thu mua luôn đến đó với giá từ 9.000 đến 10.000 đồng/kg hạt đậu tươi. Nhờ vậy, thu nhập từ vụ đông khá ổn định, như xã Khai Thái bình quân đạt 4,5 triệu đồng/hộ; xã Tân Dân 3,5 triệu đồng/hộ; xã Đại Xuyên tổng thu cả xã đạt khoảng 6,6 tỷ đồng… Tuy nhiên, việc thu mua sản phẩm do các tư thương chi phối, dễ bị ép giá. Ở Phú Xuyên, sản phẩm nông nghiệp phong phú, đa dạng theo mùa vụ nhưng chưa được quan tâm đầu tư công nghệ chế biến. Dù đậu tương đã trở thành cây trồng chủ lực của huyện từ 10 năm trở lại đây nhưng chưa có nhà máy chế biến… Trong khi đó mỗi vụ người nông dân sản xuất được hàng nghìn tấn hạt đậu tương (vụ đông 2009-2010 tổng sản lượng khoảng 14.096 tấn).

Để vụ đông nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung có thể phát triển bền vững, rất cần đầu tư xây dựng nhà máy chế biến ngay tại địa phương để vừa tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, tạo việc làm ổn định vừa nâng cao thu nhập cho nông dân.

Chí Đạo