Nhớ đời và nợ đời

Xã hội - Ngày đăng : 07:53, 11/01/2010

(HNM) - Nguyễn Tuân là một tên tuổi đặc biệt trong đời sống văn nghệ Việt Nam. Thường nhắc đến ông, người ta hay nói đến nếp lập dị, ngông, có vẻ coi trọng cái riêng của mình, đến nỗi mà thành biệt danh


Kháng chiến toàn quốc nổ ra, nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi ở Hà Nội tản cư vào vùng tự do trong Thanh Hóa. Đến giai đoạn đánh lớn, Trung ương muốn điều nhiều người trong số họ ra Việt Bắc. Có nhiều điều chờ đợi, như đi thực tế với bộ đội, tuyên truyền, cổ vũ các chủ trương, chiến dịch lớn. Khỏi phải nói là việc chuyển họ, có cả gia đình ra - khó khăn, phiền phức thế nào. Ai cũng "chân yếu tay mềm", phải nâng như nâng trứng hứng như hứng hoa. Ông Đặng Thai Mai, Chủ tịch Văn hóa cứu quốc liên khu nhận được vô số yêu cầu, đại loại xin người, gọi là dân công, cho đi giúp họ cùng gia đình.

Bác Nguyễn Tuân cho đó là việc riêng. Gia đình đi kháng chiến, những mang vác vận chuyển phải tự lo, đoàn thể nhiều khó khăn, không nên đòi hỏi nữa. Trước đó ông đã lên Việt Bắc, lần này về Thanh đem gia đình đi. Vật dụng nhờ vả quan trọng nhất, hẳn là cái xe đạp cà tàng mượn cơ quan.

Tôi với bác Nguyễn là chỗ đã biết nhau từ trước và dĩ nhiên bác là "đấng bậc" về nhiều mặt để tôi nể phục, quan tâm. Biết việc di chuyển, tôi cố thu xếp công việc đến Cầu Thiều gặp gia đình. Đấy là cái quán bán bánh cuốn và cháo chân giò của bác Tuân gái, được ông bà Ngũ Tử Tư ở địa phương cho mượn. Thật không may, nhà bác Nguyễn vừa đi khỏi từ chiều qua. Bà Ngũ Tử Tư kể lại một chuyện cười đến tức bụng...


Là bác Nguyễn bảo vợ dọn cửa hàng, thu xếp đồ đoàn gồm nồi niêu xoong chảo các thức bó gọn trên xe đạp, cả mấy tay nải đựng quần áo. Ghi đông xe buộc đoạn tre ngắn để điều khiển. Dưới ánh trăng, nhà văn cầm cái "càng" tre ấy dắt trong sân nhà. Chỉ tập thôi, chưa chính thức "hành quân" mà xe ngoằn ngoèo chực đổ, xoong nồi buộc không kỹ va nhau xủng xoảng. Đến lúc tập đi dài, ra đến cổng thì nó kềnh thực sự. Dựng lên buộc lại, dắt tiếp, mấy lần như thế ông cứ kiên gan, kỳ cho thuần thục mới thôi.

- Chỉ tại cái tính khí khái làm khổ ông. Chứ các văn nghệ sĩ khác họ đi nhẹ nhàng, có như thế này đâu! - Bác gái chép miệng phàn nàn chồng.

Tôi hỏi việc chuẩn bị lương thực thực phẩm của ông bà thế nào... Thì bà chủ nói, có gì đâu, chỉ có cân thịt rang với muối mặn để nấu canh. Nhưng tôi sợ nhất là đôi lốp xe đạp đã quá mòn, xuyên rừng ra Việt Bắc trên trăm cây thế nào cũng nổ cũng xẹp. Nếu ông là bạn thân, theo tôi cần nhất là chạy theo biếu ông bà ấy đôi săm lốp mới và mấy lọ mắm kem Chi sở mậu dịch vẫn chuẩn bị cho bộ đội. Thế là tốt nhất. À mà ông ấy qua sông Chu, sông Mã rồi đến sông Bưởi, ngày đi đêm nghỉ giỏi lắm bây giờ mới chỉ đến Eo Lê bên Vĩnh Lộc là cùng thôi...

Nghĩ thế cũng phải. Thế là giữa trưa nắng, tôi đạp một mạch về Cầu Bố - thị trấn Thanh Hóa tản cư về đấy, chuẩn bị những thức bà Tư dặn. Rồi đạp đuổi theo, đến chỗ gia đình bác Nguyễn đang ăn trưa để đi tiếp sang Nho Quan bên Ninh Bình.

Bác Tổng Thư ký Hội Văn nghệ nhà ta ngày nào mặc áo gụ, đầu đội mũ lá kè rộng vành, trông như anh xe thồ thực thụ, khó mà nhận ra, nhưng vẫn phì phèo cái píp to tổ bố, dáng điệu tự tin, đàng hoàng, khảng khái... như xưa.

- Đâu ra mà bác lại có loại thuốc Sóc Sơn thơm đến thế? Tôi hỏi.
- À, đấy là mấy cậu ở Phòng Văn hóa Vĩnh Lộc đón đường tặng cho. Thế là mình đủ "mồi" để đi thẳng đến Tuyên Quang rồi.
Tôi đưa quà biếu, là đôi săm lốp, một sọt tre nhỏ đựng mười lọ mắm kem và năm trăm đồng tiền Trâu Xanh. Ông bà vui quá nhưng nhất định không chịu nhận tiền. Chắc phải đi vay mới có, chứ lấy đâu ra bằng này, to lắm. Mà sự thực thì đúng thế. Rồi cả nhà ngược lên Việt Bắc.

Năm 1954... Hải Phòng đang là "khu ba trăm ngày" theo Hiệp định Geneve. Ông Đỗ Mười, Chủ tịch Ủy ban Quân quản thành phố triệu tập họp chuẩn bị công việc vào Hải Phòng, tôi đi và may được gặp bác Nguyễn ở đấy. Đúng "điệu" phong lưu, họp xong, bác rủ tôi đến một cửa hàng sang trọng ăn cơm. "Hòa bình rồi, đỡ khổ, tớ lại đang rủng rỉnh...", bác nói. "Các báo nó dồn lại từ ngày viết trong ấy mới vừa đưa cho đấy. Và bây giờ là lúc tớ trả nợ cậu tiền đôi săm lốp và mấy lọ mắm kem", bác khoe tập bạc khá dầy. "Trong ấy" là các báo trong vùng tự do, chắc thế, chứ ra kháng chiến bác không viết cho "trong Thành".

Kể cũng không dễ chịu gì. Tôi biết tính Nguyễn rất sòng phẳng, nhất là trong sinh hoạt. Nhưng sòng phẳng đến mức này thì thật quá quắt quá. Với tôi, ông là thần tượng văn chương, coi mình là người học trò "nhỏ", tuy đôi lúc không khỏi bực mình vì cái tính chơi ngông trong sinh hoạt, thậm chí lập dị, nhưng nào dám trái ý mỗi khi khúc mắc với "thần tượng". Dù thế, tôi nhất định không thể nhận một đồng nào của bác Nguyễn. Thấy vậy ông nói:
- Không nhận là cậu để lại cho tớ một cái nợ đời, mà nợ đời thì khó trả lắm cậu ơi!
- Quà tặng năm ấy có là bao mà bác phải vống nó lên to tát đến vậy...
Không để tôi nói hết sự ngạc nhiên đến ngỡ ngàng của mình, bác Nguyễn cướp lời:
- Này nhé, nhận đôi săm lốp mới ấy là tớ muốn thay ngay. Nhưng cậu biết đấy, từ Eo Lê rẽ sang Nho Quan đường vắng, hàng quán chả có, nhà dân lại ở xa, tớ chỉ đi được một đoạn là nổ lốp. Thế là phải dắt ba cây số mới đến chỗ sửa xe. Mà trời nắng chang chang, xe thồ lỉnh kỉnh những đồ là đồ có khổ không? Thay được đôi lốp mới, mừng ơi là mừng, vừa đi cứ vừa nghĩ không có nó thì lên tới Việt Bắc phải chậm hàng tuần ấy. Còn thực phẩm thì đến dốc Cun là cạn, từ đấy trở đi lấy mắm kem ra xài đều. Thế là thoát nạn. Rồi cứ ngày đi đêm nghỉ đều đều, sức khỏe cả gia đình bảo đảm, về đến Ghềnh Quýt Tuyên Quang an toàn, vui vẻ lắm.

Câu chuyện chuyển sang những ngày gần hơn. Bác Nguyễn vẫn giòn tan:
- Vừa ổn định xong chỗ ở thì rồi có một tin làm cả nhà phấn khích: tớ có lệnh đi tập huấn bẩy ngày để chuẩn bị tiếp quản Thủ đô. Cậu tưởng tượng dân Hà Nội tám năm theo Chính phủ ra kháng chiến nay được trở về nhà thì còn hạnh phúc nào bằng. Chỉ chậm năm ngày là tớ lỡ dịp tập trung, may thế. Đôi săm lốp và vài lọ mắm kem chẳng có nghĩa lý gì với chúng mình nhưng với hoàn cảnh vừa qua, nó lại mở ra cho gia đình mình một dịp ngàn năm có một là tất cả về Thủ đô trọn vẹn. Riêng mình, thì còn được đi trong đoàn văn nghệ sĩ tiếp quản. Cái giá trị ân nghĩa nó là ở chỗ ấy nên mình nói "nợ đời" cũng chẳng quá lắm đâu.

Họp Hải Phòng xong, ông kéo tôi về Hà Nội chơi hai ngày. Cả nhà đón tiếp quý lắm. Góc phòng văn có mươi vỏ hộp đựng rượu quý, thấy tôi nhìn tò mò, ông nói:

- Có người bảo là tớ lập dị, uống xong còn để lại làm gì. Cậu tính cả đời tớ đi suốt trong Nam ngoài Bắc còn thứ gì không dùng mà thèm khát. Cậu cầm lên mà xem, mỗi vỏ hộp đó đều ghi vắn tắt những cuộc gặp gỡ kỷ niệm thân tình của các bạn văn Âu, Á. Nhưng có một không hai, cái tớ để trang trọng trên cao ấy, là "Mao Đài quý tửu" của Tướng Nguyễn Sơn dành cho mình hồi trong Thanh Hóa ấy, cũng là ai tặng ông ấy. Mỗi cái hộp là một kỷ niệm nhớ đời, có cái đặc biệt là nợ đời đấy cậu ạ!".

Bây giờ Nguyễn đã thăm thẳm cõi nào. Nghĩ đến những câu bác nói về "nợ nần", tôi thấy thật khó phân biệt đó là do đạo đức hay tình nghĩa. Mà có lẽ vế thứ hai thì đúng hơn.

- - - - - -

Về cuộc thi viết “Cả nước hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội”
Cuộc thi còn chu kỳ chấm giải vào tháng 10-2010, với 1 giải nhất 10 triệu đồng, 2 giải nhì mỗi giải 5 triệu đồng, 3 giải ba mỗi giải 3 triệu đồng, 10 giải khuyến khích mỗi giải 1 triệu đồng. Chủ đề: Truyền thống Thăng Long - Hà Nội, kỷ niệm sâu sắc qua các thời kỳ, khuyến khích giai đoạn hiện tại, với những con người, sự kiện mới tiêu biểu cho sự nghiệp CNH-HĐH. Để nâng cao chất lượng, BTC quyết định điều chỉnh dung lượng bài dự thi: dài nhất được 2 kỳ, mỗi kỳ 2.000 từ; dùng cả những bài nêu vấn đề nhưng có hệ thống, không sa vào vụ việc cụ thể.

Địa chỉ thư điện tử: thi1000nam@hanoimoi.com.vn. Rất mong sự hưởng ứng của bạn viết xa gần.

BTC

Võ Thúc Loan