Giáo sư Ahn Kyong Hwan: “Tôi tự hào vì châu Á có nhà thơ vĩ đại Hồ Chí Minh”

Thế giới - Ngày đăng : 07:19, 10/01/2010

(HNM) - Tên tuổi GS Ahn Kyong Hwan quen thuộc với người dân Việt Nam từ nhiều năm nay. Ông là người đã dịch Truyện Kiều, Nhật ký trong tù và Nhật ký Đặng Thùy Trâm ra tiếng Hàn. GS Ahn rất am tường văn hóa Việt Nam và hiện là chủ nhiệm Khoa Tiếng Việt Trường Đại học Chosun ở Gwangju (Hàn Quốc).


- Thưa GS, cơ duyên nào đã gắn bó cuộc đời giáo sư với tiếng Việt suốt một thời gian dài và sâu sắc như vậy ?


- Tôi học tiếng Việt từ năm 1974 tại Khoa Tiếng Việt Trường Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc. Quả thực khi đó trường tôi chưa có giáo viên Hàn Quốc dạy tiếng Việt. Trường phải mời cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Seoul đến giảng dạy. Mối quan hệ Việt - Hàn gián đoạn đến năm 1988 khi Hàn Quốc tổ chức Olympic quốc tế. Từ ngày 22-12-1992, Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao và các doanh nghiệp Hàn Quốc bắt đầu đầu tư vào Việt Nam dẫn đến số sinh viên Hàn Quốc học tiếng Việt bắt đầu tăng lên. Năm 1989, tôi được bổ nhiệm làm giám đốc chi nhánh hãng Hyundai Thái Lan có văn phòng tại TP Hồ Chí Minh. Năm 1993, tôi tốt nghiệp Thạc sĩ tiếng Việt và năm 1996 bảo vệ luận án tiến sĩ tại Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh. Sau đó về nước, tôi giảng dạy môn tiếng Việt và văn hóa Việt Nam tại Trường ĐH Yong San. Nhiều người hỏi vì sao tôi lại chuyển từ công việc kinh doanh sang giảng dạy, tôi trả lời vì tôi yêu Việt Nam, yêu “hồn Việt”, tôi muốn giới thiệu văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc để góp phần tăng cường mối quan hệ giữa hai nước.

- Xin GS cho biết cảm nhận của ông và độc giả Hàn Quốc khi đọc tác phẩm thơ “Nhật ký trong tù” ?

- Tôi dịch 133 bài thơ trong tập “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 2002. Thú thực là trước đó, tôi chưa hiểu nhiều về vị lãnh tụ của các bạn, chỉ thấy rằng tất cả người Việt Nam đều tôn kính Bác Hồ. Khi dịch, tôi mới hiểu sâu sắc về con người Bác, thấy yêu và kính trọng Bác vô cùng. Tôi thấy tự hào vì châu Á có nhà thơ vĩ đại Hồ Chí Minh. “Nhật ký trong tù” thể hiện tình yêu thiên nhiên, con người, tình yêu cuộc sống, lòng yêu nước thiết tha và khát vọng tự do của người chiến sĩ - thi sĩ Hồ Chí Minh. Tất cả đã tạo nên cốt cách của một nhà hiền triết phương Đông với những phẩm chất Nhân-Trí-Dũng. Rất nhiều bài thơ đúc kết những triết lý sâu sắc, như bài “Nghe tiếng giã gạo”: “Gạo đem vào giã bao đau đớn/Gạo giã xong rồi, trắng tựa bông/Sống ở trên đời người cũng vậy/Gian nan rèn luyện mới thành công.”. Bài “Học đánh cờ” thể hiện trí tuệ sáng suốt sắc sảo của một nhà chiến lược, chiến thuật thiên tài, đặc biệt là trong nghệ thuật nắm bắt thời cơ: “Phải nhìn cho rộng suy cho kỹ/Kiên quyết không ngừng thế tiến công/Lạc nước, hai xe đành bỏ phí/Gặp thời, một tốt cũng thành công.”. Chân dung của người tù cộng sản đầy ý chí được khắc họa đầy đủ trong bài thơ “Bốn tháng rồi”. Mặc dù bị đày đọa, thiếu thốn trăm bề, thân hình tiều tụy, nhưng tinh thần và ý chí của người thi sĩ-chiến sĩ không hề nao núng: “Phương đông màu trắng chuyển sang hồng/Bóng tối đêm tàn quét sạch không/Hơi ấm bao la trùm vũ trụ/Người đi thi hứng bỗng thêm nồng.”. Bài thơ thêm một lần nữa chứng tỏ Hồ Chí Minh là một nhà thơ vĩ đại của thế kỷ: vĩ đại về trí tuệ, về dũng khí và nhất là về tâm hồn nghệ sĩ, đầy nhạy cảm và lạc quan. Tháng 3 tới, Nhà xuất bản ZMZ ở Seoul sẽ tái bản “Nhật ký trong tù” lần thứ 6.

- Được biết GS đã rất thành công trong việc cuốn hút các bạn hữu tham gia viết thư pháp thơ “Nhật ký trong tù”, GS có thể cho biết dự định của ông trong năm nay khi Việt Nam kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh?

- Năm 2005 đã có 25 nhà thư pháp Hàn Quốc và 5 nhà thư pháp Việt Nam tham gia viết thư pháp tập thơ “Nhật ký trong tù”. Chúng tôi đã tổ chức thành công cuộc triển lãm thư pháp này trong vòng 11 tháng tại 3 thành phố của Hàn Quốc (Seoul, Busan và Gwangju) và 3 địa danh của Việt Nam: TP Hồ Chí Minh, Nghệ An và Hà Nội. Kết thúc triển lãm, chúng tôi đã tặng 68 bức thư pháp cho Bảo tàng Hồ Chí Minh. Tháng 5 tới, nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi dự định sẽ tổ chức triển lãm thư pháp thơ của Hồ Chủ tịch tại nhà triển lãm 16 Ngô Quyền của Hội Mỹ thuật Việt Nam.

- Xin cảm ơn GS và chúc dự định của ông thành công tốt đẹp!

Nguyễn Thu Thủy thực hiện