Nhạc sĩ An Thuyên: Miệt mài với giai điệu dân gian

Văn hóa - Ngày đăng : 07:11, 09/01/2010

(HNM) - Nhạc sĩ An Thuyên tác giả

Nhạc sĩ An Thuyên.


"Tôi xuất thân trong gia đình có truyền thống hát tuồng, cải lương… Từ ngày còn bé, tôi được sống trong những giai điệu cải lương và là một nhạc công trong dàn nhạc gia đình. Bố tôi là diễn viên và các anh trai tôi đều hát hay lắm. Tôi cho rằng, điều quan trọng là hiểu và cảm văn hóa vùng, miền. Chất liệu dân gian của từng vùng thì chỉ cần để ý một chút là có thể khai thác được. Nhưng để hiểu văn hóa của một vùng, miền đòi hỏi có quá trình dài… Trên hết vẫn là tình yêu với mỗi miền đất nước, với người dân ở đó…" - Ông bắt đầu câu chuyện. Càng cao tuổi, nhạc sĩ càng khám phá thêm nhiều cảm xúc mới và lại lên đường tìm về với chất liệu dân gian. Dù không còn sung sức như thời trai trẻ nhưng cái mệt mỏi thể chất không làm Thiếu tướng vơi bớt nguồn năng lượng dành cho âm nhạc. Hằng đêm, ông ngủ rất ít, khoảng hai tiếng, nhưng sáng ra vẫn tỉnh táo, đối với ông thời gian yên tĩnh về khuya chính là lúc những giai điệu cất lên trong ông. Và dù nghỉ hưu rồi, thời gian rảnh rỗi nhiều, nhưng thói quen ấy vẫn không hề thay đổi.

Nhạc sĩ An Thuyên đang sáng tác những ca khúc sở trường - lấy cảm hứng từ hình ảnh dân gian quen thuộc. Ông gửi vào đó triết lý nhân sinh và nỗi đau đáu về nhân tình, thế thái. "Với chùm ca khúc này, bên cạnh vẽ lên những bức tranh quê hương, đất nước tươi đẹp, tôi như thấy có trách nhiệm hơn với tháng ngày mình đang sống. Biết chấp nhận lao động đến cực nhọc và biết sẻ chia đến cùng, có lẽ đó là niềm hạnh phúc của con người chăng? Nếu đúng thế thì nghệ sĩ đâu chỉ có mơ theo gió, theo trăng được", ông bộc bạch.
Nhiều nhạc sĩ cùng thời với ông đều có thể viết tác phẩm khí nhạc bên cạnh mảng ca khúc. Nhạc sĩ An Thuyên đã viết Concerto cho flute và dàn nhạc giao hưởng, nhạc phim, nhạc của khoảng 60 vở kịch nói, tuồng, chèo... và là tác giả của nhiều vở nhạc kịch. Sắp tới, ông sẽ tiếp tục "ngụp lặn" trong dòng văn học dân gian để chọn tích cổ làm đề tài sáng tác nhạc kịch. Chẳng hạn Ngưu Lang, Chức Nữ là câu chuyện hay…

Mấy chục năm qua, vì yêu thích mà ông cất công sưu tầm khá nhiều loại nhạc cụ và phương tiện nghe nhạc. Đến nay, bộ sưu tập lên tới hàng chục chiếc máy quay đĩa, đài, loa và cả những máy truyền tin rất cổ ở châu Âu… Có những người yêu nhạc của ông, khi biết ông thích sưu tầm đã tìm đến để tặng ông phương tiện nghe nhạc, coi đó như một vật lưu niệm. Tới đây, ông có ý định sẽ dành một phòng để trưng bày những đồ vật trong bộ sưu tập khá phong phú này, mong được chia sẻ của quý với nhiều người.

Trên khuôn mặt vị tướng mới về hưu, vẫn thấy nụ cười hồn hậu ngày nào, ánh mắt lấp lánh khi ông kể về những dự định dành cho âm nhạc. Người lính vừa trở về sau chặng đường dài hành quân, đích đã đến mà hành trang trên vai còn trĩu nặng…

Hoàng Ngọc Bích