Cần nâng cao “quan trí” về bảo vệ môi trường
Xã hội - Ngày đăng : 06:42, 09/01/2010
- Năm 2009, CSMT không "đánh lớn" như những năm trước, ít thấy những vụ cỡ như Vêđan, rác thải y tế?
- Không phải thế, năm 2009 chúng tôi phát hiện số vụ vi phạm nhiều gấp 4 lần năm 2008. Trong năm, chúng tôi đã bắt giữ vụ Cấn Thị Hoa ở Phúc Thọ, Hà Nội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm, thu giữ 118 con rắn hổ mang chúa, 1 con mèo rừng, 2 con trăn; phát hiện 23 công ty thành viên thuộc EVN bán trái phép hơn 564.000 lít dầu biến thế, thải ra có chứa chất PCB gây ung thư; bắt giữ gần 20 tấn hỗn hợp gồm tóp mỡ, da trâu, bò ướp muối, xương băm nhỏ bốc mùi hôi thối… Ngoài ra, chúng tôi đã tham mưu cho ngành chức năng được nhiều việc trong phòng ngừa tội phạm. Đặc biệt, đã kiến nghị bổ sung, sửa đổi và ban hành mới nhiều văn bản quy phạm pháp luật, như chương 17, Bộ luật Hình sự (phần các tội phạm môi trường), Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự, Nghị định 81/CP… nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của CSMT.
- Để giải quyết các vấn đề môi trường, chúng ta đang gặp phải vướng mắc gì?
- Có CSMT là có thêm một lực lượng hành pháp mạnh, được phép áp dụng những phương thức điều tra đặc biệt có quy định trong luật, hiệu quả đấu tranh sẽ cao hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng thấu hiểu tầm quan trọng của việc BVMT và trách nhiệm của ngành mình đối với sự nghiệp chung, hoặc họ có những cái khó riêng, vì quyền năng pháp lý chỉ có mức độ.
Hiện nay, vẫn còn tình trạng nhiều cơ quan cùng có chức năng kiểm tra, giám sát về một lĩnh vực. Ví dụ, lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) có quản lý thị trường và thanh tra chuyên ngành. Gần đây, CSMT được giao nhiệm vụ kiểm tra vi phạm về VSATTP, nhưng gặp khó khăn vì chưa được bổ sung thẩm quyền thanh tra, kiểm tra theo luật. Về thực thi chế tài xử phạt vi phạm hành chính, cùng một hành vi vi phạm nhưng luật lại quy định nhiều cơ quan chức năng có thẩm quyền xử phạt, dẫn đến vận dụng khác nhau hoặc bỏ sót, xử lý không triệt để. Lại còn tình trạng nhiều lực lượng cùng tổ chức thực thi một vấn đề nên không bên nào chịu trách nhiệm hoặc đùn đẩy cho nhau, thiếu sự phối hợp, trợ giúp lẫn nhau.
- CSMT ra đời, nhân dân đã mong đợi có thêm một lực lượng mạnh để răn đe vi phạm, nhất là góp phần đưa các đối tượng gây ô nhiễm môi trường ra trước vành móng ngựa. Tuy nhiên, việc xử lý hình sự dường như không suôn sẻ?
- Đúng vậy, phải nói là vô vàn gian nan, như vụ Vêđan, lúc đầu chúng tôi cũng nghĩ là có đủ cơ sở để khởi tố, nhưng khi đưa ra bàn với liên ngành viện kiểm sát, tòa án… đối chiếu lại Luật Hình sự hiện hành, thấy không ổn. Theo điều 183, Luật Hình sự 1999 quy định về tội "gây ô nhiễm nguồn nước" thì chỉ khởi tố đối với cá nhân, không thể khởi tố pháp nhân. Nghĩa là không thể khởi tố hình sự Công ty Vêđan, mà chỉ có thể khởi tố những cá nhân lãnh đạo ở công ty này, nhưng việc chứng minh những cá nhân này chỉ đạo việc xả thải trái phép lại không đủ bằng chứng.
Có thể thấy, vi phạm pháp luật về môi trường đang diễn ra nghiêm trọng. Tuy nhiên, khi soi vào chế tài, luật pháp lại thấy xử lý không hề đơn giản, nhất là xử lý hình sự. Rất nhiều trở ngại về luật pháp, chính sách, cơ chế phối hợp, hướng giải quyết hậu quả cần phải lường trước để tìm lời giải trước khi bắt tay vào phá án. Thực ra phát hiện vụ việc không khó, nhưng để xử lý dứt điểm được thì không phải một sớm một chiều. Như trong các vụ việc về VSATTP, nhập khẩu rác thải, qua trinh sát chúng tôi phát hiện nhiều vụ vi phạm, nhưng nếu bắt ngay sẽ phát sinh vấn đề xử lý số hàng tịch thu được như thế nào. Vụ Công ty Thành Lợi nhập 1.200 tấn thép phế liệu ở cảng Đà Nẵng đã phải họp liên ngành lên xuống, cuối cùng UBND TP Đà Nẵng quyết định giao lại cho Thành Lợi xử lý bằng giải pháp nung chảy.
Vì thế, 3 năm qua, mặc dù khám phá hơn 5.500 vụ việc vi phạm pháp luật về môi trường, nhưng số vụ việc xử lý được bằng hình sự chỉ chiếm 94 vụ, 139 đối tượng.
- Lĩnh vực BVMT còn nhiều việc phải giải quyết, trong khi đó trái đất vẫn nóng lên và biến đổi khí hậu (BĐKH) vẫn đang diễn ra. Theo Đại tá, chúng ta cần làm những gì?
- BĐKH là vấn đề nóng của nhân loại hiện nay. Ai cũng hiểu chúng ta đang gặp nguy hiểm. Nhưng trước mắt mỗi người, mỗi quốc gia còn rất nhiều việc phải quan tâm giải quyết. Trong phạm vi quyền hạn của mình, CSMT chỉ cố gắng làm hết sức để phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm vi phạm pháp luật về môi trường. Theo tôi, phòng ngừa hiệu quả nhất là đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức về BVMT, tiết kiệm năng lượng. Không chỉ truyền thông, nâng cao dân trí, mà còn cần nâng cao "quan trí", tăng cường nhận thức đối với cấp ủy, chính quyền địa phương, những người ra quyết định về sản xuất, kinh doanh, đầu tư...
Cùng với việc sửa luật, các cấp, ngành liên quan phải đồng tâm hiệp lực trong xử lý dứt điểm vi phạm, xử nghiêm những vụ việc đã phát hiện.
- Xin cảm ơn Đại tá!